(SGGP).- Tại hội thảo “Đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục đạo lý dân tộc và ý thức công dân cho học sinh TPHCM”, PGS-TS Ngô Minh Oanh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục - Trường ĐH Sư phạm TPHCM) đã báo động thực trạng gần đây, một bộ phận thanh thiếu niên, kể cả học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, đã có hành vi lệch lạc về đạo đức, lối sống, kể cả phạm tội…
Không chỉ mơ hồ về đạo lý dân tộc, kể cả những đạo lý cơ bản nhất như “yêu nước, xả thân vì nước”, “uống nước nhớ nguồn”…, một số em còn có biểu hiện lệch lạc về ý thức công dân, thiếu hiểu biết về quyền, nghĩa vụ của công dân. Điều này minh chứng rằng kết quả giáo dục đạo lý dân tộc, ý thức công dân còn nhiều bất cập, rập khuôn nên chưa phát huy hiệu quả, thiếu thực hành, trải nghiệm cuộc sống.
Kết quả khảo sát tại 20 trường phổ thông (công lập và ngoài công lập) trên địa bàn TPHCM cho thấy mức độ hiểu biết, nhận thức về truyền thống, đạo lý dân tộc của học sinh chưa cao, trong đó hiểu biết rõ về truyền thống yêu nước là 55,4%, còn lại 36% chỉ biết bình thường, 8,5% hoàn toàn không biết.
Tại hội thảo, nhiều nhà khoa học, giáo viên kiến nghị phải đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy môn đạo đức, giáo dục công dân, tạo cơ hội cho học sinh trải nghiệm thực tế. Thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục, cần xây dựng chương trình thống nhất, lồng ghép các môn giáo dục công dân theo chủ đề, liên môn để giảm tải chương trình, giáo dục ý thức công dân.
Khánh Bình