“Chìa khóa” bảo tồn, phát triển di sản

“Bảo tồn và phát triển bền vững giá trị di sản” như đã trở thành khẩu hiệu quen thuộc đối với nhiều tỉnh thành trên cả nước. Thế nhưng, làm thế nào để khai thác và phát huy giá trị di sản, tạo nguồn sinh lợi nhằm bảo tồn di tích, góp phần phát triển thì rất nhiều địa phương sở hữu di sản vẫn còn loay hoay. Tại Hội nghị “Bảo tồn và phát triển bền vững di sản thế giới ở Việt Nam: nhìn lại chặng đường 20 năm qua và hướng đến tương lai của di sản Huế” tổ chức ngày 21-9 tại TP Huế, vấn đề này lại được hâm nóng.
“Chìa khóa” bảo tồn, phát triển di sản

“Bảo tồn và phát triển bền vững giá trị di sản” như đã trở thành khẩu hiệu quen thuộc đối với nhiều tỉnh thành trên cả nước. Thế nhưng, làm thế nào để khai thác và phát huy giá trị di sản, tạo nguồn sinh lợi nhằm bảo tồn di tích, góp phần phát triển thì rất nhiều địa phương sở hữu di sản vẫn còn loay hoay. Tại Hội nghị “Bảo tồn và phát triển bền vững di sản thế giới ở Việt Nam: nhìn lại chặng đường 20 năm qua và hướng đến tương lai của di sản Huế” tổ chức ngày 21-9 tại TP Huế, vấn đề này lại được hâm nóng.

Du khách quốc tế tham quan Đại nội Huế. Ảnh: Văn Thắng

Du khách quốc tế tham quan Đại nội Huế. Ảnh: Văn Thắng

Di sản Huế và hành trình 20 năm

Huế là cố đô duy nhất ở Việt Nam bảo lưu khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình. Thế nhưng, sau chiến tranh, gần 2/3 trong tổng số gần 300 công trình kiến trúc tại Huế trở thành phế tích, số còn lại ở trong tình trạng hư hại, xuống cấp nghiêm trọng.

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, khẳng định, UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới cho các di tích thuộc quần thể di tích cố đô Huế vào năm 1993 đã đem lại “hộ chiếu văn hóa” để Thừa Thiên - Huế mở rộng giao lưu với các nước; chọn lọc bổ sung những yếu tố thích hợp làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc; tạo điều kiện phát huy tài năng sáng tạo của các nghệ nhân, nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu khoa học, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và cuộc vận động bảo vệ di tích Huế. 20 năm qua, việc bảo tồn di tích cố đô Huế được triển khai và đạt kết quả to lớn. Di sản văn hóa Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và đang từng bước hồi sinh, diện mạo ban đầu của một cố đô lịch sử dần dần được hồi phục. Đặc biệt, các di tích được tu bổ đều đảm bảo các nguyên tắc khoa học về bảo tồn của quốc gia và thỏa mãn các điều luật của hiến chương, công ước quốc tế mà Chính phủ ta đã thừa nhận, được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Trong chuyến thăm quần thể di tích cố đô Huế, bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO, đánh giá cao hiệu quả cũng như những nỗ lực và những cam kết của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong việc bảo vệ, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa. Bà Irina Bokova khẳng định, thời gian tới UNESCO sẽ tiếp tục giúp đỡ, hợp tác và hỗ trợ Thừa Thiên - Huế trong việc giữ gìn và bảo vệ các di sản, ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là chuyển giao kiến thức chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển bền vững. Qua đó, thu hút hơn nữa sự tham gia của cộng đồng, địa phương và người dân vào công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Phát huy giá trị di sản

Di sản Huế hồi sinh không đồng nghĩa với việc kết thúc mọi nỗ lực bảo tồn, mà chính là sự mở đầu của một giai đoạn mới với những thách thức mới, đòi hỏi sự nghiệp bảo tồn di sản Huế phải được thực hiện tốt hơn, tích cực hơn, đáp ứng được những tiêu chuẩn cao nhất về bảo tồn để di tích Huế vừa giữ được tính nguyên gốc, vừa được đem lại sinh khí mới để hòa nhập với đời sống của cộng đồng, đóng góp vào sự phát triển đời sống kinh tế xã hội của địa phương. Đây là nhân tố quan trọng nhất để đảm bảo cho Huế luôn là một vùng đất của sự kết hợp hài hòa giữa quá khứ và hiện tại, là một biểu trưng độc đáo của sức mạnh văn hóa Việt Nam. Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, việc đưa giáo dục di sản vào trường học đã giúp cho học sinh hiểu rõ lịch sử địa phương mình, tình yêu quê hương, đất nước. 100% trường học trên địa bàn đều nhận chăm sóc di tích lịch sử, văn hóa. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế cũng được đẩy mạnh tại các trường học trên địa bàn bằng các cuộc thi tìm hiểu về di tích Huế, khuyến khích sưu tầm các tài liệu, hiện vật liên quan đến di tích… Tỉnh đoàn Thừa Thiên - Huế cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền bảo vệ, phát huy giá trị di sản Huế trong cộng đồng dân cư.

Thành tựu của công tác bảo tồn mà di sản văn hóa Huế đã được quảng bá hình ảnh rộng rãi trên toàn thế giới, tạo nên sức hút to lớn của Huế đối với du khách thập phương. Hàng năm có từ 2 - 2,5 triệu lượt khách du lịch đến Thừa Thiên - Huế, tăng bình quân 15% - 17%/năm; doanh thu du lịch tăng bình quân 16,6%/năm, góp phần đưa ngành du lịch dịch vụ của tỉnh Thừa Thiên - Huế phát triển nhanh chóng và thực sự đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Riêng tại khu di tích Huế, doanh thu trực tiếp từ năm 1996 đến năm 2012 đã đạt gần 825 tỷ đồng (tính đến ngày 31-8-2012), doanh thu từ dịch vụ đạt hơn 50 tỷ đồng. Chính nguồn thu này đã góp phần rất quan trọng trong việc tái đầu tư cho hoạt động bảo tồn di sản.

Tuy nhiên, theo PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, bước vào giai đoạn phát triển mới, các giá trị nổi bật toàn cầu và đặc trưng nổi trội của di tích cố đô Huế đặt ra yêu cầu phải tiếp cận nó với tư cách là một “di sản kiến trúc đô thị” điển hình của Việt Nam với các bộ phận cấu thành như ý tưởng quy hoạch xây dựng đô thị ngay từ ban đầu kết hợp hài hòa giữa không gian nhân tạo và môi trường cảnh quan đặc thù ở xứ Huế; cấu trúc không gian đô thị hiện đại ngày nay; các quần thể kiến trúc, các tác phẩm kiến trúc tiêu biểu của Huế; nếp kinh đô xưa, nếp sống đô thị hiện nay… Việc bảo tồn, tu bổ di tích cố đô Huế phải được thực hiện với tư cách là một di sản gắn với hoàng gia, hoàng tộc và đòi hỏi phải có cách ứng xử khác biệt, nghĩa là tạo lập xung quanh di tích một không gian trang nghiêm, sang quý, đẹp đẽ và thanh lịch. Cần phát huy truyền thống người Huế trong cách ứng xử có văn hóa với môi trường thiên nhiên xung quanh. Làm sao để cảnh quan đôi bờ sông Hương trong tương lai gần sẽ được đề cử là một bộ phận của di sản văn hóa thế giới, góp phần hoàn chỉnh quần thể di tích cố đô Huế.

  • Nhã nhạc góp phần tạo nên thương hiệu Festival Huế

Ngày 7-1-2003, Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam được UNESCO ghi tên vào Danh mục các kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện tầm vóc và sự phong phú, toàn diện của di sản văn hóa Huế trên cả hai lĩnh vực văn hóa vật thể và phi vật thể. TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia cho rằng, UNESCO đánh giá cao đối với nhã nhạc đó là hoạt động truyền dạy cho lớp nhạc công trẻ đang thực hành tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế. Các nghệ nhân đã giúp họ nâng cao nhận thức về di sản, trao truyền những ngón nghề và giúp thực hành kỹ năng trình diễn. Đặc biệt, các tiết mục nhã nhạc đã góp phần làm nên thành công các kỳ festival Huế qua các chương trình nghệ thuật hoặc lễ hội.

VĂN THẮNG - TRẦN DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục