Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia thuộc Nhà Trắng Larry Kudlow ngày 27-11 cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp gỡ và dùng bữa tối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sắp diễn ra ở Argentina.
Có một thỏa thuận?
Theo AP, phát biểu với báo giới, ông Kudlow cho biết: “Có nhiều khả năng chúng tôi sẽ đi đến một thỏa thuận và Tổng thống Donald Trump hoàn toàn sẵn sàng cho điều này”.
Trước đó, trong một phát biểu ngầm ám chỉ căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ hiện nay, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cho rằng chủ nghĩa bảo hộ và những cách tiếp cận đơn phương trong vấn đề thương mại sẽ chỉ đem lại sự bất ổn đối với nền kinh tế thế giới, đồng thời khẳng định sẽ không có quốc gia nào giành chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại. Cách tiếp cận của Trung Quốc là theo đuổi các giải pháp đối thoại dựa trên sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
Tờ South China Morning Post ngày 28-11 dẫn ý kiến các doanh nghiệp Trung Quốc cho rằng quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ có ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Theo họ, mặc dù đang có những căng thẳng thương mại giữa 2 nước, có nhiều lý do để họ làm việc cùng nhau về lâu dài.
Ông Duo Yuan, người sáng lập và là Chủ tịch Blue Stone Asset Management, cho rằng, mọi người Trung Quốc và Mỹ đều muốn có kết quả tốt trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung. Đối với người Trung Quốc, chúng tôi cũng hy vọng có thể mua các sản phẩm giá rẻ của Mỹ, đồng thời hợp tác và học hỏi những điều mới từ có các công ty Mỹ. Blue Stone Asset Management là một trong những quỹ cổ phần tư nhân lớn nhất tại Trung Quốc, quản lý hàng chục tỷ nhân dân tệ (hàng tỷ USD).
Nội dung đàm phán
Bất chấp tín hiệu tốt về đàm phán thương mại Mỹ - Trung, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn khẳng định khả năng sẽ tiếp tục leo thang đánh thuế hàng nhập khẩu Trung Quốc với trị giá khoảng 260 tỷ USD.
Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết vấn đề sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc, thuế quan và hàng rào phi thuế quan “phải được giải quyết” nếu 2 bên muốn giảm căng thẳng thương mại.
Trung Quốc đã nhiều lần đề nghị mua thêm hàng hóa của Mỹ nhưng được cho là chưa đủ. Washington đang yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt tài trợ các ngành công nghệ cao mà Trung Quốc muốn thống trị, loại bỏ các chính sách và thông lệ cụ thể về việc yêu cầu các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ. Washington cũng yêu cầu Bắc Kinh ngừng nhắm vào công nghệ và sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ thông qua các hoạt động thâm nhập mạng, vi phạm bản quyền và “gián điệp kinh tế”.
Trong khi đó, Trung Quốc yêu cầu Mỹ ngừng áp dụng thuế trừng phạt 10% - 25% với hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD. Bắc Kinh cũng có thể đưa ra những cải tiến đối với luật sở hữu trí tuệ mặc dù không rõ liệu có đủ đáp ứng yêu cầu của Mỹ hay không.
Trung Quốc cũng muốn Mỹ giảm bớt hạn chế xuất khẩu đối với hàng hóa công nghệ cao và xem Trung Quốc là “nền kinh tế thị trường” khi áp dụng luật thương mại của Mỹ. Tuy nhiên, điều này hiện nay vô cùng khó do Quốc hội Mỹ đã thông qua luật siết chặt xuất khẩu hàng hóa có giá trị công nghệ cao sang Trung Quốc.