
Tối 14-1, Tổng Công ty cổ phần May Nhà Bè (NBC) đã có buổi ra mắt hai thương hiệu thời trang cao cấp Mattana và De Celso dành cho thị trường nội địa. Đây là hành động kịp thời của một doanh nghiệp nhằm chiếm lĩnh thị trường trong nước, càng đặc biệt quan trọng khi thị trường xuất khẩu đang gặp khó khăn do kinh tế thế giới suy giảm.

Phân xưởng may Veston xuất khẩu của May Nhà Bè. Ảnh: P.N.
Thương hiệu May Nhà Bè đã khá nổi tiếng trước đây, nhất là đối với hàng may mặc xuất khẩu. Trong đó, NBC tiên phong từ gia công thuần túy tiến đến đầu tư máy móc thiết bị, con người để nâng lên hình thức mua đứt bán đoạn (FOB) dưới thương hiệu nhãn mác của khách hàng và của chính mình.
NBC cũng là đơn vị dẫn đầu ngành dệt may khi đầu tư nhà máy sản xuất bộ veston hiện đại để xuất khẩu sang Nhật Bản, Hoa Kỳ.
Năng lực hiện nay của NBC về doanh thu vào khoảng 4,2 triệu USD/tháng, bao gồm năng lực sản xuất 200.000 bộ veston nam, 300.000 bộ veston nữ, 500.000 sản phẩm sơ mi nam nữ, 600.000 quần, 700.000 sản phẩm thời trang các loại. Phần lớn các sản phẩm này dành cho xuất khẩu.
Mặc dù vậy, NBC cũng đã có nhiều nỗ lực phát triển thị trường nội địa thông qua khoảng 200 đại lý trên cả nước, trong đó 2 trung tâm lớn là TPHCM và Hà Nội đều có cửa hàng may đo cao cấp sản phẩm thời trang veston nam nữ. Thế nhưng, dòng sản phẩm thời trang của NBC vẫn chưa thật sự định vị là sản phẩm cao cấp trong lòng người tiêu dùng, do hệ thống nhận diện thương hiệu chưa được đầu tư bài bản, chưa tạo được phong cách riêng.
Trước tình hình kinh tế thế giới đang biến chuyển xấu, NBC đã nhanh chóng đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu theo hướng chuyên nghiệp. Và kết quả là sự ra đời của hai dòng thời trang Mattana và De Celso với hệ thống nhận diện thương hiệu mới, định vị đẳng cấp mới trên thị trường.
Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM nhận xét, những dòng thời trang cao cấp như vậy sẽ giúp hàng hóa sản xuất trong nước đẩy lùi hàng ngoại nhập. Doanh nghiệp trong nước nhờ đó có thể tạo thêm công ăn việc làm. Việc đầu tư này còn là nhằm mục tiêu phát triển lâu dài của doanh nghiệp, thông qua việc tạo nên những thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam và từ đó tìm cách vươn ra thế giới.
Bà Dương Thị Ngọc Dung, Tổng Giám đốc NBC cho biết, trong năm 2009, NBC sẽ phải thay toàn bộ bảng hiệu 200 đại lý theo bộ nhận diện thương hiệu mới và phát triển thêm 200 đại lý nữa. Với các động thái trên, NBC hy vọng sẽ tăng nhanh doanh thu bán hàng nội địa, có nhiều dòng sản phẩm cho nhiều đối tượng, thay thế hàng nhập khẩu.
Coi trọng thị trường nội địa
Trong khi NBC đang khởi động một cuộc đua trở lại chinh phục thị trường nội địa, Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến đã có những bước tiến lớn trong những năm qua để tạo nên một thương hiệu thời trang được người tiêu dùng ưa chuộng. Song song với việc phát triển các dòng thời trang phục vụ giới công chức và người có thu nhập trung bình, Việt Tiến cũng đã tiến hành xây dựng các dòng thương hiệu cho từng nhóm đối tượng tiêu dùng.
Như thương hiệu Vee Sendy dành cho tuổi teen, những người năng động, thoải mái; thương hiệu T-up cao cấp và gần đây là phát triển hai dòng thương hiệu Manhattan và San Sciaro theo hai phong cách của Ý và Mỹ dành cho doanh nhân, người có thu nhập cao. Nhờ sự chuẩn bị từ nhiều năm trước nên các sản phẩm của Việt Tiến đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, năm 2009 doanh thu nội địa đạt trên 460 tỷ đồng.
Ông Bùi Xuân Khu, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công thương nhận xét, chỉ riêng doanh số bán hàng nội địa của Việt Tiến đã nhiều hơn tổng doanh thu của nhiều doanh nghiệp khác. Chính vì thế, vào thời điểm này, ông Bùi Xuân Khu đã đốc thúc nhiều doanh nghiệp khác trong ngành dệt may nhanh chóng tiến hành xây dựng chiến lược bán hàng nội địa thay thế hàng xuất khẩu.
Trong đó phải lưu ý, người dân trong nước đã có những yêu cầu rất cao về chất lượng, mẫu mã, do đó các doanh nghiệp phải đầu tư chất xám và vốn liếng nhiều hơn để đáp ứng yêu cầu này. Cũng theo ông, nếu các doanh nghiệp cứ say sưa làm hàng gia công vì bây giờ vẫn có lời, vẫn có thể chia cổ tức cao thì tương lai không xa sẽ bất ổn và không thể phát triển.
Trong năm 2009, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) dự kiến mở thêm 17 siêu thị, các doanh nghiệp trong ngành nên nghiên cứu đưa các sản phẩm thời trang có chất lượng vào đây bán, tránh làm mất uy tín của ngành.
Để ngành dệt may phát triển nhanh và căn cơ trên chính thị trường có sức mua của 80 triệu dân, ông Khu cho rằng, đầu tàu là Vinatex cần liên kết hợp tác để xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu trong thời gian dài 10-20 năm; đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ và con người để chủ động sản xuất nguyên phụ liệu; xây dựng hệ thống siêu thị hiện đại và các cửa hàng chuyên bán hàng hiệu…
Nhiều doanh nghiệp cho biết, họ cũng đang nghiên cứu thị trường để đưa ra các dòng sản phẩm phù hợp với sức mua của nhiều tầng lớp người dân. Trong đó, các dòng sản phẩm cao cấp được chú ý để không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu.
Văn Thiên Lộc