
Từ xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), con đường Láng Le - Bàu Cò nhỏ nhắn được tráng nhựa xuyên thẳng qua xã Tân Nhựt với điểm đến là khu di tích lịch sử Láng Le - Bàu Cò. Đâu đó thấp thoáng những ao cá thênh thang, vườn rau xanh um, cây ăn trái trĩu quả… Đó là hình ảnh hiện tại của chiến khu Láng Le - Bàu Cò mấy chục năm trước - căn cứ địa của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ…
Bài toán làm giàu
Bình Chánh là vùng bưng trũng nặng phèn và nước mặn xâm nhập, nên nếu chỉ dựa vào cây lúa, may lắm người dân cũng chỉ đủ ăn. Từ năm 1996, TPHCM đầu tư vốn xây dựng đập ngăn mặn và giữ nước ngọt cùng hệ thống cống thủy lợi nội đồng, người dân Tân Nhựt nhanh chóng chuyển dịch cây trồng, vật nuôi, giải bài toán làm giàu…

Đài tưởng niệm trận Láng Le - Bàu Cò tại Khu di tích lịch sử Láng Le - Bàu Cò (xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh).
Chuyện đổi đời từ cây rau, con cá đã không còn xa lạ với bà con nơi đây. Trước đây, gia đình thương binh Nguyễn Thế Hùng ở ấp 3, xã Tân Nhựt mấy đời gắn bó với cây lúa. Sau nhiều năm thiếu trước hụt sau, ông đã biến gần 8.000m² trồng lúa ấy thành ao nuôi cá.
Sau chuyến tham quan mô hình nuôi cá ở xã Phong Phú, ông Hùng về bỏ lúa, đào ao. Ông mua cá rô phi, chép, trắm trôi, trắm cỏ về thả. Không có tiền mua giống, ông chạy lên xã vay tiền. Sau khi dự lớp khuyến nông của xã, ông lại mua dừa giống, rau muống về trồng ngay bên bờ ao.
Lấy phân heo nuôi cá, rau muống nuôi heo, dừa bán được cũng kiếm mỗi năm gần 300 triệu đồng, hơn hẳn trồng lúa trước đây.
Đàn heo của ông từ 2 con giống nay đã có hơn 200 con. Gia đình ông thoát nghèo từ đó…
Là mảnh đất anh hùng, Tân Nhựt cũng là nơi gánh chịu bom đạn khốc liệt trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Chính vì thế, sau ngày hòa bình, nhiều năm liền, Tân Nhựt vẫn là một trong những xã nghèo nhất huyện bởi hạ tầng giao thông kém, trình độ văn hóa của người dân quá thấp, đời sống bấp bênh.
Nhưng nay, lượng đất màu mỡ ven các con sông, kênh rạch được chuyển sang trồng dừa gáo, rau xanh, cây ăn trái ngắn ngày thay vì trồng lúa; những nơi diện tích trồng lúa năng suất kém được chuyển qua đào ao nuôi cá giống.
Tự thân xã cũng mở nhiều lớp khuyến nông, khuyến ngư, hướng dẫn người dân cách chuyển đổi cây trồng, vật nuôi… Đến nay, xã đã không còn hộ nghèo, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.
Diện mạo mới...
Đã hết rồi cái thời người dân Láng Le - Bàu Cò hì hục dùng xe công nông, xe đạp chở từng bao thóc đi xay xát, chở những thúng rau trên những con đường nhỏ hẹp, gập ghềnh. Trong phong trào nhân dân hiến đất làm đường giao thông và công trình thủy lợi, bà con xã Tân Nhựt đã tự nguyện hiến cho Nhà nước hơn 70.000m² đất, với trị giá hàng chục tỷ đồng.
Ngày nay, những con đường trong xã đều được tráng nhựa hoặc đổ bê tông. Bà con không còn vất vả khi đi lại nhất là vào mùa triều cường.
Bằng nguồn kinh phí 240 triệu đồng từ sự đóng góp của các mạnh thường quân, các nhà từ thiện, công trình cầu treo Láng Le – Bàu Cò xã Tân Nhựt đã được thi công và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2006.
Kể từ đó, chị em công nhân đi làm ca đêm, trẻ em đi học không còn hồi hộp lo sợ trễ giờ hay nguy hiểm bất trắc như khi đi đò. Cây cầu giúp cho nhân dân 3 xã Bình Lợi, Tân Nhựt, Lê Minh Xuân lưu thông qua lại được dễ dàng, dân trí mở mang.
Sắp tới đây, Tân Nhựt sẽ có một cây cầu mới nằm ở ngã ba sông Chợ Đệm nối liền Tân Nhựt với Tân Kiên và thị trấn Tân Túc. Kinh phí đã chuẩn bị gần đủ theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. “Tương lai, kinh tế xã Tân Nhựt sẽ phát triển, đời sống người dân ngày một nâng cao nhờ giao thông thuận tiện…”, đó là niềm mong ước của bao người dân nơi đây.
Trở lại Tân Nhựt trong những ngày tháng 9 lịch sử, chúng tôi như vui lây bởi không khí ăn nên làm ra của người dân vùng chiến khu Láng Le - Bàu Cò năm xưa.
Chủ tịch UBND xã Tân Nhựt Nguyễn Tấn Tuyến không giấu được niềm vui, nói: “Phong trào thi đua làm giàu và xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện nhiều tấm gương tốt. Đó là những người không chỉ biết làm kinh tế giỏi mà còn luôn đi đầu trong phong trào hiến đất làm đường, đóng góp xây cầu. Họ luôn ý thức được việc sống và lao động hết khả năng của mình để xây dựng mảnh đất chiến khu Láng Le - Bàu Cò anh hùng, xứng đáng với các thế hệ cha anh”.
THẠCH THẢO