Chiến lược lao động

Năm 2010 sắp kết thúc nhưng theo ngành lao động, đến hết tháng 11 cả nước mới đưa được khoảng 76.000 lao động ra nước ngoài làm việc so với chỉ tiêu 85.000 người (dự định ban đầu lên tới 100.000). Dù trong những năm qua nhà nước và các cơ quan chức năng đã chú trọng nhiều hơn đến đào tạo nghề cho xuất khẩu lao động, thực hiện nhiều biện pháp để mở rộng thị trường, có nhiều chính sách ưu tiên nhưng xuất khẩu lao động vẫn chật vật.

Lý do chính được đưa ra để lý giải nguy cơ không đạt chỉ tiêu xuất khẩu lao động trong năm nay là tốc độ phục hồi của nền kinh tế thế giới sau khủng hoảng còn chậm. Nhiều nước có nhu cầu lao động nước ngoài lớn đã giảm nhập khẩu lao động để ưu tiên giải quyết thất nghiệp lao động trong nước.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tại trong nhiều năm qua, có thể thấy rằng, “khủng hoảng kinh tế” thực chất chỉ là lý do mang tính tình huống, còn những nguyên nhân căn bản vẫn xuất phát từ nội tại. Đó là chất lượng lao động và cơ cấu đào tạo ở nước ta còn quá nhiều bất cập so với nhu cầu phát triển của bản thân nền kinh tế chứ chưa nói đến việc đáp ứng, cạnh tranh với lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động có tay nghề giỏi, thợ bậc cao.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động lại làm ăn chụp giựt, thiếu bài bản… Theo Bộ LĐTB-XH, hiện cả nước có 167 doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ xuất khẩu lao động. Trong tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài, có đến 80% lao động thông qua các doanh nghiệp dịch vụ trong nước. Tuy nhiên chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp trong số trên hoạt động hiệu quả (tuy hiệu quả bộ đánh giá chủ yếu dựa vào số lượng lao động mà doanh nghiệp đó đưa đi hàng năm). Đã vậy, việc đặt ra chỉ tiêu đã tạo ra áp lực khiến doanh nghiệp và cơ quan quản lý phải chạy theo định mức, chỉ quan tâm đến số lượng, bỏ qua chất lượng. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến chất l­ượng lao động xuất khẩu chưa cao, còn làm thương hiệu lao động Việt Nam tiếp tục… thấp kém.

Trong bối cảnh cạnh tranh thị trường lao động toàn cầu, vấn đề mấu chốt đặt ra là phải cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Vấn đề này cần được quan tâm đặc biệt. Cụ thể, nói như bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, trong khi chưa thể bỏ qua việc tuyển chọn một bộ phận lao động chưa có nghề, hoặc trình độ nghề thấp để đáp ứng yêu cầu của thị trường cấp thấp và nguyện vọng của người lao động, các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu lao động cần dồn sức, đầu tư tốt nguồn lao động có tay nghề và trình độ nghề cao. Đây là việc cần làm ngay để nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động. Bộ LĐTB-XH cần có những biện pháp cụ thể mở rộng các thị trường tiếp nhận lao động, đồng thời tiếp tục đàm phán với các thị trường truyền thống nhằm duy trì và tìm kiếm thị trường mới. Có như vậy mới tạo được tính chủ động, tăng lợi thế trong cạnh tranh giữa các nước có lao động xuất khẩu.

Vấn đề lớn hơn đang đặt ra là đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới, nên không chỉ có xuất khẩu lao động mà quan trọng hơn, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong nước cũng đang đặt ra rất cấp bách (được xem là một trong ba khâu đột phá quyết định việc thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước). Do đó, trong lúc thị trường lao động chất lượng cao trong nước cũng đang thiếu hụt nghiêm trọng, thị trường lao động ở nhiều nước lại đang thu hẹp do khủng hoảng kinh tế, vấn đề chiến lược lao động càng cần được xem xét lại một cách cụ thể, bài bản. Hơn bao giờ hết, vấn đề phát triển và phân bổ nguồn nhân lực phải được coi trọng và xem xét một cách hợp lý trong tổng thể chiến lược phát triển quốc gia.

Phạm Phương Đông

Tin cùng chuyên mục