Chín ép

Hàng năm, cứ đến thời điểm này, dư luận lại đặc biệt quan tâm đến câu chuyện có nên cho trẻ học hay không học thêm trước khi vào lớp 1. Thực tế, rất nhiều bậc phụ huynh đang phải “ép” cho con đi học trước khi vào học lớp 1 để không thua bạn kém bè. Nhưng không phải ai cũng thích “ép chín” con cái mình trong tình trạng đó. Tâm lý đám đông trong việc cho con đi học chữ trước là có thật, nhưng không phải chỉ vì kỳ vọng con mình vượt trội, mà đa phần là do lo lắng.

Hàng năm, cứ đến thời điểm này, dư luận lại đặc biệt quan tâm đến câu chuyện có nên cho trẻ học hay không học thêm trước khi vào lớp 1. Thực tế, rất nhiều bậc phụ huynh đang phải “ép” cho con đi học trước khi vào học lớp 1 để không thua bạn kém bè. Nhưng không phải ai cũng thích “ép chín” con cái mình trong tình trạng đó. Tâm lý đám đông trong việc cho con đi học chữ trước là có thật, nhưng không phải chỉ vì kỳ vọng con mình vượt trội, mà đa phần là do lo lắng.

Đây hoàn toàn là một câu chuyện không mới, nó đã được xới đi xới lại từ nhiều năm nay. Mới đây nhất, ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT cũng khẳng định cho trẻ đi học chữ trước khi vào lớp 1 hoàn toàn là phản khoa học, là có tội với trẻ, gây hại đến sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần đối với các cháu. Bộ GD-ĐT cũng đã có những quy định, chế tài rõ ràng cũng như nỗ lực thay đổi cách đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học, trong đó có trẻ lớp 1 để giảm áp lực cho cả người học và người dạy.

Không ít thì nhiều cũng đã có hành lang pháp lý để thực thi vấn đề này. Tuy nhiên, thực tế lại đang diễn ra theo chiều hướng khác khi mà ở từng trường tiểu học, nhiều giáo viên vẫn tổ chức lớp dạy thêm cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1 ở nhà, và dĩ nhiên lớp học đó là để các em học chữ, tập đọc, tập làm tính. Có cầu mới có cung, phụ huynh có nhu cầu thì các cô mới mở lớp dạy. Nhưng đáng nói hơn, phụ huynh tự nguyện thì ít mà bị bắt buộc lại nhiều. Phần lớn phụ huynh đều muốn cho con em được chơi, được học đúng độ tuổi, không ai muốn “ép chín” con cái mình nếu không vì áp lực học hành từ phía nhà trường, giáo viên. Đa phần phụ huynh cho biết, nhiều lớp học có sĩ số tới 60 cháu, một cô giáo không thể chỉ bảo từng em, trong khi đó yêu cầu đưa ra là cuối học kỳ 1 các em đã phải đọc thông viết thạo, làm tính đơn giản; bài tập về nhà cô giáo không ít, nên nếu vào lớp 1 các cháu mới bắt đầu i tờ tập đánh vần thì không thể theo kịp.

Và để tránh khỏi “khổ cảnh” mẹ và con đánh vật nhau với các bài tập viết, tập đọc, làm tính đến tận 10, 11 giờ đêm thì các ông bố bà mẹ đành cắn răng cho con đi học “tiền” lớp 1. Đó là chưa kể đến việc, nhiều nơi, ngay khi vừa vào học được 3-4 tuần, cô giáo đã chấm điểm tập đọc, tập viết của học trò, những em chậm đọc, chậm viết bị điểm 2, điểm 3, khi về nhà chỉ biết mếu máo, khiến phụ huynh hồn bay phách lạc mà guồng chân cho con học thêm.

Thế nên, câu chuyện cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 phải được nhìn nhận đa chiều. Ngành giáo dục không thể chỉ đổ lỗi cho phụ huynh chạy theo tâm lý đám đông, đặt nặng kỳ vọng vào con em mình mà phải thấy, tâm lý đám đông đó xuất phát từ những bất ổn của ngành giáo dục. Quá tải lớp học, yêu cầu về chương trình chưa phù hợp, giáo viên dạy nhanh khiến các trẻ chưa biết đọc, biết viết trước khi vào lớp 1 bị áp lực là những vấn đề ngành giáo dục phải xem xét lại.

Ngược lại, các bậc phụ huynh, với tư cách là “cô giáo ở nhà” cũng cần xác định rõ quan điểm về lợi ích trước mắt hay lâu dài cho trẻ. Một sự chuẩn bị tâm thế kỹ càng cho trẻ khi vào lớp 1 chắc chắn cần thiết hơn là việc ép các em phải biết đọc, biết viết trước khi ngày khai trường diễn ra. Vì tương lai của trẻ, cả gia đình, nhà trường có lẽ đều phải nhìn lại vấn đề này. Bởi lẽ, việc cho trẻ đi học trước khi vào lớp 1 giống như hành động “ép chín”. Mà trái cây khi bị chín ép thì không thể ngọt lành được.

Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục