(SGGP).- Ngày 2-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2011 nhằm thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2011.
Thông tin tại phiên họp cho thấy những thông số đáng phấn khởi của nền kinh tế - xã hội. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đạt trên 12,3 tỷ USD, tăng 40,3% so với cùng kỳ năm trước và gấp hơn 4 lần chỉ tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua. Một số mặt hàng chủ yếu có kim ngạch nhập khẩu trong tháng 2-2011 giảm so với cùng kỳ là sữa, các sản phẩm từ sữa, phân bón các loại…
Tuy vậy, nhận định về tình hình 2 tháng qua, các thành viên Chính phủ vẫn cho rằng, bên cạnh những kết quả cơ bản đạt được, trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm nền kinh tế nước ta phải đối mặt một số khó khăn thách thức. Nổi bật là giá cả lương thực, thực phẩm, năng lượng trên thế giới tăng cao, đi liền với đó là lạm phát trong khu vực tăng mạnh, nhất là ở Trung Quốc; thiên tai dịch bệnh làm ảnh hưởng tới sản xuất… đã gây áp lực tăng giá.
Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 về những giải pháp chủ yếu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội vừa qua là kịp thời với những nội dung chỉ đạo cụ thể và quyết liệt.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho rằng, Nghị quyết 11 được các tổ chức quốc tế đánh giá là đúng, kịp thời. Hiện nghị quyết đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện rất quyết liệt. Tuy nhiên, một số bộ ngành vẫn bị Thủ tướng phê bình triển khai hơi chậm, trong đó có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Giàu.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, thông điệp nhất quán của Chính phủ trong năm 2011 là ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Để thực hiện thành công kiềm chế lạm phát, giữ ổn định nền kinh tế, Thủ tướng lưu ý, trước hết các bộ, ngành, địa phương phải hết sức lưu ý tới việc thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt với các giải pháp chủ yếu là giảm bội chi, tiết kiệm chi tiêu công, tăng thu ngân sách” - đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết trong cuộc họp báo Chính phủ diễn ra chiều tối qua tại Hà Nội.
Trả lời báo chí về việc có tiếp tục tăng giá điện, xăng dầu, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cho biết tăng giá điện đã có lộ trình; việc tăng giá xăng dầu cũng vận hành theo cơ chế thị trường. Đi liền với việc hỗ trợ các hộ nghèo, Chính phủ tiếp tục thực hiện điều hành chính sách xăng dầu theo lộ trình cơ chế thị trường.
Đồng thuận kiềm chế lạm phát
Nghị quyết 11 của Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cao trong việc đặt ra 7 giải pháp quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Phóng viên Báo SGGP đã phỏng vấn PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ, về vấn đề này.
° Trong 7 nhóm giải pháp của Chính phủ, ông đánh giá thế nào đối với giải pháp đầu tư công và giải pháp tiền tệ?
° PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN: Có thể thấy giá cả tăng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Nếu không tập trung kiềm chế lạm phát sẽ đe dọa ổn định kinh tế vĩ mô và gây ra hậu quả tiêu cực. Vì vậy, việc kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách đối với cả nước. Trong các giải pháp kiềm chế lạm phát, Chính phủ đã nhấn mạnh đặc biệt quan trọng đối với chính sách tiền tệ và giải pháp đầu tư công. Cụ thể, giải pháp tiền tệ được chuyển sang điều hành một cách chặt chẽ, thận trọng. Tốc độ tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán sẽ được siết chặt ở các mức tương ứng dưới 20% và dưới 16% trong năm nay, thấp hơn hẳn so với mức 31% và 26% của năm 2010. Hãm cung tiền, tất yếu sẽ hãm tổng cầu, tăng trưởng sẽ ít hơn nhưng quan trọng là ổn định kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ thực hiện chính sách tài khóa, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi hợp lý, chi tiêu tập trung và giảm nhập siêu… Đầu tư công nước ta luôn trên 10% trong khi tốc độ tăng trưởng GDP chỉ 6% - 7% vì vậy hệ số ICOR của Việt Nam rất cao, trên 6%. Cho nên năm nay nước ta hãm đầu tư xã hội xuống 38%, trong đầu tư xã hội thì hãm đầu tư công, đầu tư nhà nước của các tập đoàn nhà nước bằng ngân sách. Chính phủ cũng sẽ tiết kiệm chi thường xuyên xuống 10% hàng năm. Đặc biệt, một trong những giải pháp đáng hoan nghênh là tiết kiệm ngân sách, chi tiêu công, giám sát việc thực hiện ngân sách một cách hiệu quả hơn, tránh đầu tư mua sắm tràn lan, không hiệu quả ngay cả trong bộ máy của Chính phủ.
Ở khía cạnh khác, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao gần 3,8% trong 2 tháng đầu năm nhưng Chính phủ vẫn phải điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện… Bởi các mặt hàng này chúng ta đã bù lỗ rất nhiều rồi. Người dân vì vậy cũng nên chia sẻ với Chính phủ bằng cách tiết kiệm trong việc sử dụng xăng dầu, điện, than...
° Theo ông, việc Chính phủ yêu cầu các tổng công ty, tập đoàn nhà nước bán ngoại tệ để can thiệp thị trường, liệu có bình ổn được thị trường ngoại hối?
° Có thể thấy một trong những nguyên nhân chủ yếu làm giá cả tăng hiện nay là tỷ giá tăng. Chính phủ đã nhấn mạnh quyết tâm kiểm soát tỷ giá theo quy định và sẽ ổn định tỷ giá lâu dài. Xét trên tổng cầu, nguồn ngoại tệ của Việt Nam không thiếu và cân đối được. Tiền gửi ngoại tệ của cá nhân trên tài khoản ngân hàng hiện nay rất lớn.
Nếu người dân tin tưởng vào sự điều hành của Chính phủ thì người dân sẽ bán USD chuyển qua giữ tiền đồng. Để tạo niềm tin đó, phải tránh cú sốc ngoại tệ bằng giải pháp lấy nguồn ngoại tệ từ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước can thiệp vào thị trường để bình ổn giá USD. Ngoài ra, kết hợp với bộ - ban - ngành, UBND để kiểm soát thị trường USD chợ đen, chống tình trạng USD hóa, tăng cường giám sát các điểm thu đổi ngoại tệ để thị trường này hoạt động theo đúng Pháp lệnh ngoại hối. Theo đó, trên thị trường Việt Nam chỉ được lưu hành đồng tiền Việt Nam.
Do đó, không chỉ có các tập đoàn nhà nước, tổng công ty đồng lòng thực hiện mà người dân cũng phải đồng thuận cùng với Chính phủ để giảm những cú sốc trong giai đoạn hiện nay. Người dân nếu có nhu cầu bán ngoại tệ nên đến ngân hàng chứ không nên ra thị trường chợ đen. Nếu ổn định được tỷ giá và áp dụng quyết liệt các giải pháp tiền tệ và tài khóa, chúng ta có khả năng kiềm chế lạm phát trong khoảng 3 tháng nữa.
° Thắt chặt tín dụng đồng nghĩa với lãi suất tiếp tục còn cao. Liệu điều này có ảnh hưởng lớn đến khu vực sản xuất?
° Khi thực hiện rốt ráo các giải pháp mà Chính phủ đề ra chắc chắn sẽ ổn định được kinh tế vĩ mô, khi đó người dân không còn kỳ vọng giá USD tăng lên trong thời gian tới thì họ sẽ chuyển sang gửi tiền đồng. Khi tiền gửi VND tăng lên sẽ làm cho lãi suất tiền đồng giảm xuống. Trong giai đoạn này lãi suất tiền đồng vẫn còn cao là để phục vụ cho mục tiêu chống lạm phát. Khi lạm phát có dấu hiệu ổn định thì chắc chắn lãi suất sẽ giảm.
Do đó, doanh nghiệp phải biết lựa chọn dự án và sử dụng vốn một cách tiết kiệm, tránh đầu tư tràn lan. Năm 2011, dư nợ có thể tăng không cao lắm nhưng vẫn đảm bảo nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, cho xuất khẩu và cho nông nghiệp. Hạn chế đầu tư vốn vào khu vực phi sản xuất, doanh nghiệp sẽ không sợ thiếu vốn
QUANG MINH thực hiện