Italia, nền kinh tế lớn thứ 3 trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), rơi vào hỗn loạn sau khi lãnh đạo phe trung hữu của Italia, cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi đã rút tất cả 5 bộ trưởng thuộc đảng Nhân dân tự do (PDL) của mình khỏi liên minh cầm quyền, qua đó gián tiếp hạ bệ chính phủ của Thủ tướng Enrico Letta.
Xung đột gay gắt
Tuyên bố của PDL được đưa ra sau khi Thủ tướng Letta thách thức đảng của ông Berlusconi tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm đối với ông Berlusconi tại Quốc hội sau nhiều tuần căng thẳng giữa hai phe tả và hữu. “Tôi sẽ từ chức nếu ông Berlusconi qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm”, ông Letta nói. Ông Berlusconi cho rằng tối hậu thư này là “không thể chấp nhận được”. Trước đó, ngày 27-9, 2 phe đã căng thẳng sau khi chính phủ của ông Letta không đạt được nhất trí về các biện pháp tài khóa nhằm giữ thâm hụt ngân sách của Italia không vượt quá các mức giới hạn của EU. Trong đó, có kế hoạch tăng thuế bán hàng của chính phủ vốn là một phần của chính sách giảm nhẹ gánh nợ công khổng lồ của Italia, bị PDL phản đối. Thủ tướng Letta cáo buộc ông Berlusconi đã “lừa dối” người dân Italia bằng việc sử dụng thuế bán hàng với mục đích chính là “giúp giải tỏa các vấn đề cá nhân của ông ta”.
Trong khi đó, báo chí Italia ngày 29-9 cho biết Tổng thống Italia Giorgio Napolitano đang cân nhắc các biện pháp nhằm đưa nước này thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị. Ông Napolitano đã bóng gió rằng sẽ xúc tiến thành lập một chính phủ liên minh mà không cần phải tổ chức tổng tuyển cử. Tổng thống Napolitano kêu gọi phải duy trì tính liên tục về chính trị ở Italia đồng thời nhấn mạnh rằng Italia cần một quốc hội để thảo luận và làm việc, chứ không phải một quốc hội cứ thỉnh thoảng lại bị tan vỡ.
Khủng hoảng đe dọa phục hồi
Theo một số chuyên gia, các vấn đề pháp lý của bản thân ông Berlusconi được xem là nguồn gốc gây ra phần lớn căng thẳng trong liên minh. Xung đột giữa 2 bên gia tăng sau những động thái nhằm tước bỏ chức danh Thượng nghị sĩ của ông Berlusconi do ông này vừa bị Tòa án tối cao kết tội gian lận thuế hồi tháng trước. Ông Berlusconi đã từng đe dọa sẽ rút các bộ trưởng nếu như ông bị trục xuất khỏi Thượng viện. Một ủy ban Thượng viện sẽ quyết định vào tuần tới về việc có trục xuất ông Berlusconi hay không. Cựu thủ tướng Italia đã kháng cáo nhưng bản án vẫn được giữ nguyên. Ông Berlusconi bị tuyên án 1 năm tù nhưng nhiều khả năng sẽ bị quản thúc tại gia hoặc lao động công ích vì tuổi đã cao.
Theo BBC, việc PDL rút các bộ trưởng ra khỏi chính phủ liên minh có thể dẫn đến 2 khả năng: tổng tuyển cử hoặc thành lập một chính phủ liên minh mới với các thành phần trong chính phủ hiện tại. Trước khi có tin về vụ từ chức tập thể này, Tổng thống Napolitano đã kêu gọi đoàn kết. “Chúng ta cần một Quốc hội làm việc chứ không phải cứ tan rã liên miên như thế”, ông Napolitano nói.
Chính phủ liên minh hiện nay được thành lập sau cuộc bầu cử hồi tháng 2 vốn không giải quyết được vấn đề. Dư luận lo ngại rằng cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay sẽ làm cản trở các nỗ lực của Italia nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế của đất nước hình chiếc ủng, trong đó có nợ công, suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp cao ở thanh niên.
Trong bản báo cáo đầu tháng 8 vừa qua của Cơ quan thống kê quốc gia Italia (ISTAT), có dấu hiệu tương đối tích cực cho thấy tốc độ suy thoái của nước này đang dần chậm lại. Một số chuyên gia nhận định trong quý 3 và quý 4-2013, nền kinh tế của Italia có thể bắt đầu phục hồi trở lại. Tuy nhiên, diễn biến chính trị mới nhất này sẽ là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế lớn thứ 3 của eurozone.
ĐỖ CAO (tổng hợp)