Điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội

Cần đề án với lộ trình cụ thể

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trong phiên họp Quốc hội (QH) chiều 13-5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn đã trình bày Tờ trình số 60/TTr-CP về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã trình bày Tờ trình số 74/TTr-CP về quá trình nghiên cứu mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội.

Mở rộng Thủ đô là đòi hỏi tất yếu

Theo Tờ trình số 60/TTr-CP, những năm gần đây, trong công cuộc đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với tốc độ phát triển hết sức mau chóng của cả nước, Thủ đô Hà Nội đang đứng trước sự quá tải, mất cân đối lớn về nhiều mặt. Mối liên kết quản lý và phát triển Thủ đô Hà Nội với các tỉnh xung quanh và với cả nước cũng gặp nhiều hạn chế do bị bó hẹp trong phạm vi hành chính và không gian diện tích Thủ đô hạn hẹp.

Nhiều vấn đề cần phải giải quyết nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước” và “cả nước vì Hà Nội” đang gặp phải những giới hạn hết sức khó khắc phục về quy mô dân số, diện tích, tài nguyên, môi trường… Trên cơ sở đã có sự nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện vấn đề, Chính phủ trình Quốc hội phương án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội theo hướng hợp nhất: toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của tỉnh Hà Tây (sau khi điều chỉnh xã Tân Đức thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây về TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ quản lý); Toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình).

Theo phương án này, TP Hà Nội mới có diện tích tự nhiên 334.470,02 ha và 6.232.940 nhân khẩu; nghĩa là diện tích tự nhiên tăng gấp 3,6 lần và dân số tăng gấp 2 lần so với TP Hà Nội hiện nay. Phương án đã được Ban cán sự Đảng Chính phủ thảo luận, nhất trí thông qua; Bộ Chính trị đồng ý; Ban Chấp hành Trung ương khóa X tại Hội nghị lần thứ 6 cũng đã có kết luận thông qua chủ trương này.

Cần có căn cứ cụ thể hơn để xem xét

Tuy tán thành chủ trương mở rộng địa giới hành chính Hà Nội nhằm từng bước xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, nhưng Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật (UBPL) QH thể hiện sự băn khoăn về thời điểm, quy mô, lộ trình và cách thức thực hiện cụ thể. Đa số thành viên UBPL nhìn nhận đây là một vấn đề lớn, quan trọng mang tính lịch sử và rất phức tạp, nhạy cảm.

Báo cáo thẩm tra nhận định, Tờ trình của Chính phủ và các tài liệu kèm theo còn khá sơ sài. Ngoài những Nghị quyết của HĐND các địa phương có liên quan là những văn bản mà theo quy định của pháp luật cần phải có, thì chỉ có Báo cáo tóm tắt và Đề án định hướng quy hoạch Hà Nội mở rộng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các tài liệu này tuy cần thiết nhưng chưa đủ luận cứ khoa học cũng như các chỉ số kinh tế-kỹ thuật cần thiết để đánh giá; một số nội dung quan trọng liên quan đến quy hoạch xây dựng TP Hà Nội sau khi được mở rộng cũng chưa rõ giải pháp cụ thể, lộ trình, bước đi trong quá trình tổ chức thực hiện, nhất là nguồn kinh phí cho việc thực hiện đề án…

Chủ nhiệm UBPL QH Nguyễn Văn Thuận kết luận: “Đa số ý kiến thành viên UBPL QH yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm của Chính phủ phải nghiên cứu và trình ra QH một đề án khả thi với những giải pháp, lộ trình rõ ràng, cụ thể, kể cả việc dự kiến nguồn lực về con người và tài chính cho việc thực hiện đề án; để bảo đảm sau khi được QH quyết định thì có thể thực hiện được ngay”.

Cũng tại Báo cáo thẩm tra nói trên, UBPL QH đồng thuận với đề xuất của Chính phủ tại Tờ trình số 59/TTr-CP về điều chỉnh xã Tân Đức (huyện Ba Vì, Hà Tây) về TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ; ấp C10 thuộc xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước về xã Đak Lua, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.

Cùng ngày, QH đã nghe và thảo luận tại hội trường hai dự án Luật Chữ thập đỏ và Luật Năng lượng nguyên tử.

Sáng nay 14-5, QH sẽ thảo luận tại tổ về vấn đề mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội. 

ANH PHƯƠNG - HÀ MY 

Đề xuất tổ chức nước ngoài được liên doanh phát hành xuất bản phẩm

Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản, việc sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về xuất bản tập trung vào 3 điều liên quan đến hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm và việc hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài để phát hành xuất bản phẩm. Một nội dung đáng lưu ý trong dự án luật là tới đây sẽ cho phép các tổ chức nước ngoài được thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài được thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được hợp đồng, hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh để phát hành xuất bản phẩm tại VN theo quy định của pháp luật VN và phù hợp với các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên.

Nếu được QH thông qua như dự kiến, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2009.

A.P.

 

Thông tin liên quan

* Luật hoá hoạt động cứu trợ nhân đạo

* Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường 
Trưng dụng tài sản phải đảm bảo quyền lợi của dân

Tin cùng chuyên mục