Luật hoá hoạt động cứu trợ nhân đạo

Sáng nay (13-5), Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật hoạt động chữ thập đỏ và Luật năng lượng nguyên tử.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đa số Đại biểu đều đồng tình với ý kiến phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, là hoạt động nhân đạo do Hội Chữ thập đỏ tổ chức thực hiện hoặc chủ trì phối hợp thực hiện.

Theo ĐB Bùi Đắc Luyện (Ninh Bình), việc giới hạn phạm vi điều chỉnh theo quan điểm này đảm bảo tính phù hợp giữa nội dung với tên gọi của Luật.  Thực tiễn hơn 60 năm của hoạt động chữ thập đỏ Việt Nam cho thấy đã định hình các hoạt động gắn liền với Hội chữ thập đỏ đó là: cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo; chăm sóc sức khoẻ;…

Để đảm bảo một phần mức hỗ trợ cho người tham gia các hoạt động nhân đạo, ĐB Nguyễn Thị Thanh Huyền (Phú Thọ) cho rằng, Luật cần quy định cụ thể về việc chính sách cho cán bộ Hội Chữ thập ở địa phương, không nên quy định chung chung là tuỳ từng địa phương như trong dự Luật.

Cũng tại phiên thảo luận sáng nay, đa số ĐB đều đồng tình với việc Chính phủ thống nhất thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động chữ thập đỏ và giao Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện nhiệm vụ này, đồng thời bổ sung, quy định về trách nhiệm của các Bộ LĐ- TB và XH, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao,…

Điểm đáng chú ý trong dự án Luật năng lượng nguyên tử là quy định phải lấy ý kiến nhân dân về biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh và chính sách đầu tư tại địa bàn nơi xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Đa số ý kiến cho rằng, trong hồ sơ phê duyệt địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân cần thiết phải có văn bản thể hiện ý kiến của nhân dân trên địa bàn nơi xây dựng nhà máy. Về phương thức lấy ý kiến, nên thực hiện thông qua HĐND cấp tỉnh nơi xây dựng nhà máy điện hạt nhân thay vì thông qua UBND.

                                                                          H.My

Tin cùng chuyên mục