Sự kiện công bố “Chip ADC 24-bit ứng dụng trong đo lường” đã có sự tham dự của ông Daisuke Yoshimitsu - Công ty Sangyo Times (Nhật Bản), nơi chuyên cung cấp nhiều tiêu đề cho các tờ báo và tạp chí có liên quan về công nghiệp và công nghệ, đặc biệt tập trung vào tất cả các thiết bị điện tử và bán dẫn.
Ông Daisuke Yoshimitsu có nhiều câu chuyện, nhưng ở đây quan tâm hơn hết vẫn là sản xuất kinh doanh ở lĩnh vực vi mạch tương tự (Analog). Trong quá khứ, các nhà sản xuất bán dẫn của Nhật Bản đã sản xuất kinh doanh rất tốt ở lĩnh vực vi mạch tương tự. Nhưng họ không còn tập trung vào kinh doanh vi mạch tương tự nữa. Họ tập trung vào kinh doanh vi mạch số, chẳng hạn như máy vi tính, các vi mạch SoC (hệ thống trên chip) và bộ nhớ… Điều này làm số lượng các kỹ sư về vi mạch tương tự đã bị giảm đáng kể.
Analog là thiết yếu trong mỗi thiết bị điện tử. Tuy nhiên, các nhà quản lý trong các công ty làm về bán dẫn lại tin tuyệt đối vào lời đồn rằng “vi mạch tương tự sẽ biến mất ngay” nên sự lựa chọn của họ khi từ bỏ lĩnh vực vi mạch tương tự là hoàn toàn sai lầm. Mặt khác, các công ty của Mỹ và châu Âu như Texas Instruments (TI), Analog Devices, Linear Technology, Maxim, STMicroelectronics… đã chuyển trục quản lý sang vi mạch tương tự. Đặc biệt, TI đã mua Burr-Brown vào năm 2000, với vốn đầu tư 870 tỷ yên. Số tiền này được dự định là vượt doanh số bán hàng trên toàn thế giới của TI tại thời điểm đó và đã có những lợi thế cũng như rủi ro trong việc tiếp quản. Tuy nhiên, việc mua lại đã thực hiện thành công và TI đã duy trì vị trí hàng đầu thế giới về vi mạch tương tự.
Chính vì thế, ông Daisuke Yoshimitsu cho rằng, các nhà sản xuất bán dẫn của Nhật Bản không thể cạnh tranh về vi mạch tương tự hiệu suất cao (như chip nguồn) với các công ty Mỹ và châu Âu. Các nhà sản xuất điện tử Nhật Bản đã phải sử dụng vi mạch tương tự từ những gã khổng lồ nói trên. Ông Daisuke Yoshimitsu còn cho biết, các công ty hàng đầu về vi mạch luôn tôn trọng kỹ sư tương tự và đào tạo cho họ một cách hào phóng. Điều này đã trở thành một yếu tố cho thành công của mỗi công ty.
Sự phát triển của vi mạch tương tự đòi hỏi chuyên môn cao và do đó chất lượng của nhân viên kỹ thuật sẽ tạo khác biệt lớn và analog luôn là điều cần thiết cho bất kỳ thiết bị điện tử… Do đó nếu các nhà sản xuất bán dẫn của Nhật Bản không có sự lựa chọn sai lầm, họ có thể đã thoát khỏi sự suy giảm.
Tuy vậy, ông Daisuke Yoshimitsu cho rằng vẫn còn may khi các nhà sản xuất vi mạch tương tự vẫn còn tồn tại ở Nhật Bản. AC Technologies (ACTEX), một công ty con của Toshiba, phát triển vi mạch tương tự như chip điều khiển động cơ, chip nguồn, và chip điều khiển LED. Công ty đang nắm giữ khoảng 30 - 40 kỹ sư tương tự. Ngoài ra, Công ty CM Engineering, một công ty về thiết kế bán dẫn, cũng đang phát triển một số vi mạch tương tự và vi mạch hỗ hợp. Công ty Sony, nhà sản xuất hàng đầu thế giới về chip cảm biến hình ảnh CMOS cho điện thoại thông minh, cũng đang phát triển bộ khuếch đại là bộ phận không thể thiếu trong các cảm biến hình ảnh. Cũng như Mitsumi Electric, Sanken, New Japan Radio, Taiyo Yuden đều là các công ty đang hoạt động rất tốt trong lĩnh vực vi mạch tương tự…
Hiện nay ở Nhật Bản, giá trị của lĩnh vực vi mạch tương tự đã được xem xét lại. Sự thiếu hụt kỹ sư vi mạch tương tự đã trở thành một vấn đề lớn. Vì vậy, đang có một đà phát triển để tích cực thúc đẩy các kỹ sư vi mạch tương tự ở Nhật Bản. Đại học Chuo và Đại học Gunma có những giảng viên xuất sắc để đào tạo và phát triển các kỹ sư vi mạch tương tự… Đây là điều Việt Nam cần quan tâm.
TẤN BA (ghi)