Chờ hết dịch để đứng trên sân khấu là rất khó và sẽ rất lâu…

Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng trong diễn đàn "Tác động của đại dịch Covid-19 - Hành động quyết liệt của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch" vừa được tổ chức ngày 22-9 tại Hà Nội. 

Theo lãnh đạo ngành văn hóa, trong thời gian tới, do các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 cũng sẽ không thể tổ chức được các chương trình biểu diễn, các trận thi đấu thể thao, hoạt động lễ hội… thu hút sự tham gia của hàng trăm, hàng nghìn người như trước. Vì vậy, diễn đàn là một dịp để nhìn nhận bối cảnh mới từ đó các đơn vị chức năng đã cùng chia sẻ những khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ đồng thời đề xuất một số giải pháp quyết liệt để có thể thích nghi, phục hồi.

Theo ông Lê Minh Tuấn- Phó cục trưởng Cục Biểu diễn Nghệ thuật, gần 2 năm qua Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn, thách thức cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật vốn là lĩnh vực đặc thù. Nhiều đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ không thể cho ra mắt công chúng những tác phẩm nghệ thuật theo cách thức truyền thống, bởi các hoạt động nghệ thuật biểu diễn chỉ diễn ra khi hội đủ các nhân tố đến từ lực lượng tác giả, dàn dựng của đội ngũ đạo diễn, biên đạo; luyện tập, biểu diễn của nghệ sĩ, diễn viên và một thành phần quan trọng không thể thiếu đến từ sự cổ vũ, thưởng thức của công chúng, khán giả.

Dịch Covid-19 đã khiến mọi hoạt động nghệ thuật như các chương trình biểu diễn, liên hoan, sự kiện văn hóa- nghệ thuật… bị tạm dừng hoặc hủy bỏ chưa biết thời điểm được hoạt động bình thường trở lại; nhiều chuyên gia, nhà sáng tạo hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, các nghệ sĩ, diễn viên... bị cắt giảm lương/thù lao. Cùng đó một lực lượng lớn nghệ sĩ, diễn viên phải duy trì cuộc sống với mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, thậm chí một lực lượng lao động trẻ, có năng lực chuyên môn phải nghỉ việc không hưởng lương… những khó khăn trên đã tác động tiêu cực đến khả năng sáng tạo, khả năng duy trì chuyên môn, nghiệp vụ và tình yêu nghề, nhất là đối với lực lượng nghệ sĩ đang tham gia giữ gìn, bảo tồn, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc…

Chờ hết dịch để đứng trên sân khấu là rất khó và sẽ rất lâu… ảnh 1 Sẽ rất lâu mới có lại các buổi biểu diễn hàng trăm, hàng nghìn người vì vậy việc nắm bắt để thích nghi với điều kiện mới đã được đặt ra đối với ngành biểu diễn (ảnh mInh họa)
Tương tự, cùng với việc đóng cửa hàng loạt các rạp chiếu phim theo, tổng doanh thu của ngành điện ảnh năm 2021 ước đạt 1.156 tỷ đồng, giảm 70%-80% so với năm 2019. Các dự án sản xuất phim hợp tác, cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài hầu hết không thể triển khai, chỉ có 3 kịch bản thẩm định trong 8 tháng đầu năm 2021, giảm 1/6 so với cùng kỳ năm 2020, tương đương 16%.
8 tháng đầu năm 2021 số lượng phim nhập khẩu sụt giảm (78 phim truyện nhập khẩu, đạt chưa đến 70% so với cùng kỳ năm 2019). Số lượt người xem tại rạp giảm chỉ tương đương 33% so với năm 2019. Hệ thống rạp chiếu phim tại các thành phố lớn phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, số lượng khán giả đến rạp và doanh thu chỉ đạt chưa đến 30% so với cùng kỳ năm trước…

Bởi văn hóa, thể thao, du lịch là hoạt động mang tính đặc thù bề nổi với những sự kiện, chương trình thu hút hàng trăm, hàng vạn người đều không có cơ hội để tổ chức vì thế việc chuyển hướng tại thời điểm này là hết sức cần thiết. Theo Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL khi giãn cách xã hội được áp dụng ở nhiều tỉnh, thành cả nước, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân trở nên “bị giới hạn”, toàn ngành VH-TT-DL đã không ngừng đổi mới cách thức hoạt động để lan tỏa nguồn năng lượng tích cực, mang lại liều vaccin tinh thần cho người dân. Nhiều chương trình nghệ thuật được tổ chức trực tuyến, trưng bày hiện vật theo hình thức online cũng được nhiều bảo tàng, khu di tích áp dụng… rất đáng ghi nhận.

Tuy nhiên lãnh đạo ngành cũng chỉ ra rằng song song với yêu cầu chính trị đó, các đơn vị, nhà hát, cần phải chủ động, tích cực hơn để chuyển đổi, dần thích nghi để tạo được nguồn thu để duy trì và nuôi dưỡng bộ máy cán bộ, nghệ sĩ nhà hát. Phải tích cực hơn trong chuyển đổi số; tìm hiểu và phát huy các hình thức hoạt động phù hợp với tình hình mới như mô hình nhà hát truyền hình, nhà hát online (đối với nghệ thuật biểu diễn); mô hình trưng bày trực tuyến, tour online (với bảo tàng, khu di tích); và ngành du lịch thì cần khuấy động, tạo được sự kết nối giữa du khách với các điểm đến qua các ứng dụng công nghệ hiện đại.

Chờ hết dịch để đứng trên sân khấu là rất khó và sẽ rất lâu… ảnh 2 Tại thời điểm này, ngành du lịch cũng đang triển khai nhiều giải pháp, ứng dụng mới để nắm bắt cơ hội phục hồi sau ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19
Tại diễn đàn, lãnh đạo Bộ VH-TT-DL cho biết sẽ sớm trình Chính phủ ban hành chương trình Phát triển Du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới, Chiến lược thể thao Việt Nam trong 10 năm tới, triển khai Chiến lược Văn hóa Việt Nam…
“Đây đều là những nhiệm vụ không hề đơn giản, khi làm phải có chiều sâu, phải có kế hoạch và phải nhận thực điểm mới, quan trọng” - Bộ trưởng lưu ý.
Đi sâu vào lĩnh vực Du lịch, Bộ trưởng yêu cầu cần bám sát chức năng nhiệm vụ để sớm phục hồi Ngành trước tác động của dịch bệnh. Trước mắt, Tổng cục du lịch phải sớm trình các cấp thẩm quyền thông qua Quy hoạch Du lịch Việt Nam. Cùng với đó là rà soát, thẩm định nâng cấp làm mới các sản phẩm du lịch với chỉ tiêu một tỉnh có một sản phẩm du lịch độc đáo. Đồng thời, vận hành, làm sôi động trang web về ngành để khi các địa phương số hóa điểm đến đưa lên không gian mạng...

Một diễn đàn không tham vọng có thể giải quyết được tất cả các vấn đề, nhưng qua đó để chúng ta cùng nhìn lại những kết quả mà toàn ngành đã cố gắng đạt được; nghiên cứu, lựa chọn mô hình đúng, trúng,có tác dụng lan tỏa để nhân rộng cả nước. Qua những khó khăn trong đại dịch, chúng ta cũng thấy được những bài học kinh nghiệm để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, với tinh thần quyết liệt nhất....“Người làm văn hóa phải nhen lên ngọn lửa hồng, chứ đừng trách thực tế u buồn như hiện nay”- Bộ trưởng khẳng định.

Qua diễn đàn, mục đích là sâu xa và lớn hơn nữa là bằng văn hóa, từ văn hóa để lan tỏa những giá trị tốt đẹp nhất của văn hóa dân tộc Việt Nam, cùng Đảng, Nhà nước chiến thắng đại dịch Covid-19. Trong thời gian tới, với việc tiếp thu những mô hình hay của các địa phương, cùng các kiến nghị đề xuất tham mưu từ hoạt động thực tế, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL kỳ vọng ngành văn hóa, thể thao, du lịch sẽ có nhiều cách làm mới, sáng tạo, thích ứng nhanh với tình hình dịch bệnh Covid-19.

Tin cùng chuyên mục