Với chủ đề “Vận tải hành khách công cộng - Thực trạng và giải pháp”, một lần nữa vấn đề xe buýt tại TPHCM được đưa ra mổ xẻ trong chương trình tọa đàm Nói và Làm do Thường trực HĐND TPHCM phối hợp với Đài truyền hình TPHCM tổ chức sáng 4-4.
Nhiều đại biểu bày tỏ sự phấn khởi khi hoạt động xe buýt tại TPHCM có những bước tiến so với 5 - 10 năm trước. Đặc biệt, mới đây lần đầu tiên, Công ty Xe khách Sài Gòn đưa vào sử dụng hệ thống bán vé bán tự động. Hệ thống này rất tiện dụng vì khách đi xe buýt chỉ cần bỏ tiền vào hệ thống thu tiền đặt nơi đầu xe và vé sẽ tự động in ra. Như vậy, hệ thống sẽ khắc phục tình trạng tiếp viên gian lận thu tiền nhưng không xé vé; đảm bảo an toàn cho khách vì xe phải dừng hẳn sát lề để khách lên cửa trước. Đặc biệt, người dân được tiếp cận với dịch vụ công cộng hiện đại… Mô hình này sẽ tiếp tục nhân rộng trên nhiều tuyến xe buýt trong thời gian tới.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, những bước tiến trong hoạt động xe buýt tại TPHCM vẫn chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân TP. Chưa nói là còn quá nhiều tồn tại, bất cập cũ và cả những vấn đề mới phát sinh vẫn chưa được quan tâm giải quyết.
Đó là tình trạng hầu hết xe buýt không đúng giờ - yêu cầu cơ bản của người dân khi sử dụng loại phương tiện này; tình trạng thiếu, trùng lắp luồng tuyến; thiếu bến bãi, thiếu trạm trung chuyển; sự bất hợp lý giữa kích cỡ xe và diện tích đường… Chính những điều này mà ngành vận tải hành khách công cộng suốt thời gian qua vẫn không phát triển đáng kể lượng khách đi xe buýt. Cũng chính những nguyên nhân này mà cuộc vận động cư dân TP đi xe buýt thay thế cho phương tiện cá nhân - một cuộc vận động lớn do UBND TPHCM phát động gần 2 năm qua, đến giờ xem như bị phá sản…
Những tồn tại trên ai cũng biết, ai cũng hiểu nhưng vì sao nhiều năm qua vẫn không chấn chỉnh được? Nếu nói về trình độ năng lực nghiên cứu để tổ chức lại mạng lưới, luồng tuyến, kích cỡ xe buýt sao cho hợp lý với điều kiện hệ thống đường sá của TPHCM thì không quá lời khi nói rằng, đội ngũ khoa học của TPHCM thừa sức thực hiện.
Thực tế chúng tôi được biết, nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Bách khoa TPHCM đã gần như hoàn tất đề tài này theo đơn đặt hàng của ngành giao thông vận tải TP. Thế nhưng, họ cũng bày tỏ băn khoăn nếu như đề tài nghiên cứu công phu này không được TP triển khai thực hiện. Riêng Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn đã sản xuất thử loại xe buýt cỡ nhỏ phù hợp với một số tuyến đường trung tâm TP thay thế cho xe cỡ lớn không phù hợp. Vấn đề là cơ chế, chính sách gì để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xe mới…
Giao thông TP quá tải đang là nỗi khổ của người dân và nỗi lo của chính quyền TP. Việc phát triển vận tải hành khách công cộng để thay thế dần phương tiện cá nhân là một xu thế tất yếu để giảm tải hệ thống giao thông nội đô. Theo kế hoạch, phải đến năm 2015 TPHCM mới có các tuyến metro đầu tiên nhưng loại phương tiện công cộng này vẫn không thay thế được xe buýt. Vì lẽ đó, việc cải tạo hệ thống, mạng lưới xe buýt tại TPHCM vẫn cần phải làm, thậm chí cần thực hiện khẩn trương. Vấn đề là cần sự quyết tâm của các sở ngành chức năng của TP.
V.ANH