Chợ tự phát, hàng rong buôn bán ì xèo

Nhiều chợ truyền thống tại TPHCM vừa mở lại nhưng vẫn chưa đông đúc, trong khi chợ tự phát đã mọc lên ở khắp các quận, huyện và hoạt động ì xèo, bất chấp lệnh cấm. Điều này tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh khi cả người mua và người bán đều không được giám sát, khai báo y tế hay đáp ứng các quy định phòng dịch. Mặt khác, chợ tự phát còn làm mất mỹ quan đô thị và không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chợ tự phát lấn chiếm lòng đường trên đường Phạm Văn Bạch (phường 12, quận Gò Vấp, TPHCM). Ảnh: ĐỨC TRUNG
Chợ tự phát lấn chiếm lòng đường trên đường Phạm Văn Bạch (phường 12, quận Gò Vấp, TPHCM). Ảnh: ĐỨC TRUNG

Nguy cơ lây lan dịch bệnh

Ngay sau khi TPHCM nới lỏng giãn cách, chợ tự phát, hàng rong ở các quận, huyện bắt đầu hoạt động ì xèo. Tại quận Gò Vấp, chợ tự phát trên các tuyến đường Thống Nhất, Phạm Văn Chiêu, Phạm Văn Bạch, Nguyễn Văn Công, Lê Đức Thọ… buôn bán khá tấp nập mặc dù chưa được phép hoạt động. Tại chợ tự phát trên đường Thống Nhất (khu vực gần Bệnh viện Hồng Đức), các quầy rau củ, thịt cá bày bán tràn lan. Đông nhất là vào sáng sớm và chiều tối, người dân và tiểu thương túm tụm mua bán, không đảm bảo các quy định phòng chống dịch. Chị Trần Thị Minh, ngụ đường Thống Nhất, cho biết: “Hiện các chợ truyền thống trên địa bàn quận vừa mở cửa lại nhưng còn thưa vắng do người dân có thói quen mua hàng online và mua ở chợ lề đường cho tiện. Hoạt động của chợ tự phát này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Cơ quan chức năng của quận cần thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh, vận động tiểu thương vào chợ để tiếp tục buôn bán có nề nếp”.

Ghi nhận tại các chợ tự phát trên đường Chu Văn An, Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh), nhiều tiểu thương vẫn mở bán thực phẩm tươi sống, rau củ quả ngay trước cửa nhà. Hoạt động mua bán tự phát xung quanh khu vực chợ Tân Mỹ (quận 7) cũng rất sôi động. Hay trên đường Phạm Hùng (huyện Bình Chánh), hoạt động mua bán cũng nhộn nhịp không kém. Những người bán gà, vịt, rau củ vừa bán vừa canh chừng lực lượng chức năng đi kiểm tra. Khi được hỏi về việc “người dân có thẻ xanh mới mua và bán”, bà Tâm, một người bán thịt ở khu vực này cho hay, ít ai yêu cầu khách hàng phải có “thẻ xanh”.

Mất trật tự, mỹ quan đô thị

Trong thời gian dịch bệnh đang dần được kiểm soát, chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) tiếp tục làm điểm trung chuyển hàng hóa, nhưng không được mua bán bên trong chợ. Dẫu vậy, trên đoạn đường Quản Trọng Linh dẫn vào chợ đầu mối Bình Điền, hàng trăm tiểu thương mua bán tấp nập ở hai bên đường, kéo dài hàng trăm mét. Ghi nhận lúc 3 giờ sáng ngày cuối tuần, lượng người mua bán đổ về đây rất đông gây ùn tắc cục bộ, các phương tiện lưu thông trên cung đường này rất khó khăn. Góc đường Nguyễn Văn Linh (địa phận huyện Bình Chánh) ngay cổng chợ đầu mối Bình Điền cũng trở thành nơi tập kết của các tiểu thương mua bán, kinh doanh trái phép. Theo ông Lê Hải Điền, Phó Chủ tịch UBND xã An Phú Tây (huyện Bình Chánh) do lực lượng mỏng nên địa phương không thể xử lý hết các quầy hàng vi phạm. 

Trong khi đó, thời điểm giữa tháng 10, khu vực gần cầu Hiệp Bình Phước, cạnh cổng chính chợ đầu mối Thủ Đức (TP Thủ Đức) cũng có hàng chục điểm buôn bán tự phát chen chúc nhau. Khi lực lượng chức năng kiểm tra, nhiều người đã ngưng buôn bán, một số người khác vội mang hàng hóa vào trong. 

Trước thực trạng trên, lãnh đạo Sở Công thương TPHCM cho biết, các hành vi tự ý tụ tập buôn bán, lấn chiếm lòng lề đường, không đảm bảo an toàn phòng chống dịch cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm bị nghiêm cấm. Chỉ cho phép chợ truyền thống hoạt động trở lại nếu đảm bảo các tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch Covid-19. Để chấn chỉnh tình trạng hàng rong, chợ tự phát, các quận huyện, TP Thủ Đức cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý để đảm bảo phòng chống dịch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và trật tự, mỹ quan đô thị.

UBND TPHCM vừa có công văn khẩn gửi UBND TP Thủ Đức và các quận huyện yêu cầu khẩn trương kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán tự phát, nhất là vận chuyển, lên xuống hàng hóa và kinh doanh tại các điểm mua bán lấn chiếm lòng lề đường, không đảm bảo quy định phòng chống dịch Covid-19. Lãnh đạo UBND TPHCM yêu cầu không để xảy ra tình trạng phát sinh mới và tái lấn chiếm để kinh doanh nông sản thực phẩm tại khu vực xung quanh 3 chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn.

Tin cùng chuyên mục