Đêm ở chốt
Ông Phạm Ngọc Chí, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức, cho biết từ ngày dịch tả heo châu Phi xuất hiện trên đàn heo, áp lực công việc kiểm dịch tăng cao. Trạm có 7 người, chia làm 3 ca để luân phiên nhau trực 24/24 giờ. Hỗ trợ lực lượng kiểm dịch còn có nhân viên Quản lý thị trường số 21, Trạm Cảnh sát giao thông Rạch Chiếc và Thanh niên xung phong TPHCM. Sự phối hợp liên ngành nhằm tạo bức tường vững chắc ngăn chặn không để lọt thực phẩm bẩn vào thành phố.
Đêm càng về khuya, xe cộ trên đường thưa dần nhưng công việc của lực lượng kiểm dịch càng căng hơn. Mỗi chuyến xe vào trạm đều được kiểm tra, xử lý hết sức nghiêm ngặt theo đúng quy trình. Sau khi kiểm tra giấy tờ, nhân viên kiểm dịch kiểm tra kỹ niêm phong phương tiện. Đèn chiếu sáng soi từng con heo một để kiểm tra xem có dấu hiệu bất thường hay không. Khi đã thấy an tâm, toàn bộ xe và đàn heo được phun thuốc khử trùng, làm sạch trước khi tiếp tục đi đến lò mổ. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng mỗi ngày phải kiểm tra trên 2.500 con, nên rất khó nhọc.
Cảnh sát giao thông Trần Công Thuận cho biết, xe chở động vật sống thường đi ban đêm, không chỉ để tránh nắng, những đối tượng gian lận thường lợi dụng ban đêm để đưa xe chở động vật chưa kiểm dịch vào TPHCM. Anh em trong tổ phải chia lực lượng để làm công tác kiểm dịch ở trạm và tuần tra, kiểm soát trên đường. Mỗi khi nhận được tin báo hay phát hiện xe có dấu hiệu khả nghi, anh em phải kịp thời dừng xe để kiểm soát, không để lọt. Tuần trước, lực lượng liên ngành tuần tra trên đường đã phát hiện, bắt quả tang 3 vụ vận chuyển, kinh doanh trái phép, phương tiện không bảo đảm yêu cầu, tịch thu tiêu hủy 50 con gà sống, 50kg thịt heo pha lóc, 88kg phụ phẩm heo và 245kg phụ phẩm bò.
Chặt tại chỗ, phòng từ xa
Công tác kiểm dịch, ngăn chặn luồng thực phẩm bẩn vào TPHCM ngày càng khó khăn. Theo Chi cục Thú y TPHCM, mỗi ngày thành phố tiêu thụ chừng 10.000 con heo. Năng lực chăn nuôi heo của TPHCM chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu, còn 80% là nguồn heo cung cấp từ các tỉnh. Con số cập nhật mới nhất, đến thời điểm này có 21 tỉnh thành có dịch tả heo châu Phi và đã lan đến Thừa Thiên - Huế. Trên 65.000 con heo đã bị mang bệnh, phải tiêu hủy xử lý. Để bảo đảm không có heo bệnh lọt vào TPHCM, lực lượng kiểm dịch lên phương án xử lý theo hướng chốt chặt tại chỗ, phòng ngừa từ xa.
Hiện nay phương tiện vận chuyển thực phẩm, động vật sống vào TPHCM không chỉ theo quốc lộ 1A, mà từ nhiều hướng. Xe chở heo theo đường cao tốc Dầu Giây - Long Thành, sang cầu Hóa An, hay qua cầu Đồng Nai rồi theo ngã ba Tân Vạn vào các lò mổ. Để ngăn chặn nguồn thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc vào TPHCM, ngành kiểm dịch đã lập trạm, chốt kiểm tra trên các ngã đường. Ngoài trạm cố định, còn có lực lượng liên ngành tuần tra thường xuyên trên các tuyến đường để phát hiện, xử lý kịp thời.
Biện pháp phòng từ xa đã được tổ chức, phối hợp chặt chẽ. Lực lượng thú y, kiểm dịch TPHCM đặt quan hệ chặt chẽ với chi cục thú y các tỉnh bạn như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh… Mỗi khi tại các địa phương có biến động về dịch bệnh, thông tin được kết nối để kịp thời báo cho nhau biết, sớm lên phương án xử lý. Ông Lê Công Hiệu, Phó trạm trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức, cho biết nhiều trường hợp trạm nhận được tin xe vận chuyển thực phẩm bẩn từ tỉnh bạn xuất phát nên chủ động kiểm soát, nhiều chủ hàng khi bị dừng xe kiểm tra giữa đêm khuya đã ngơ ngác, không ngờ vì sao hàng hóa được che giấu rất kỹ vẫn bị phát hiện, xử lý.