Chủ động kế hoạch dự trữ và bình ổn hàng hóa

Các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam bộ như Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang… đã tích cực chủ động lên phương án dự trữ hàng hóa phục vụ dịp tết và bình ổn thị trường cuối năm để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Thông thường, từ tháng 11 trở đi, thị trường hàng hóa bắt đầu sôi động hơn khi người tiêu dùng không chỉ mua sắm các nhu yếu phẩm thiết yếu mà còn mua sắm đồ thời trang, hóa mỹ phẩm, vật dụng sửa sang nhà cửa… Chính vì thế, từ giữa tháng 10-2023, ngành công thương các tỉnh khu vực Tây Nam bộ đã có kế hoạch làm việc với doanh nghiệp, nhà sản xuất, phân phối hàng hóa để chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, có phương án bình ổn giá nhằm ổn định thị trường.

Hàng hóa được các doanh nghiệp chuẩn bị từ sớm với sản lượng tăng đến 30% so với tết năm ngoái
Hàng hóa được các doanh nghiệp chuẩn bị từ sớm với sản lượng tăng đến 30% so với tết năm ngoái

Tại Hậu Giang, cuối tuần qua, Sở Công thương tỉnh này đã chủ trì buổi làm việc với các địa phương, một số doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng hóa trên địa bàn nhằm chủ động triển khai xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch, phương án dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường những tháng cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Theo kế hoạch do sở công thương xây dựng, các mặt hàng tham gia chương trình gồm các nhóm hàng chủ yếu như: lương thực, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, nước chấm, gia vị, bánh mứt, nước ngọt các loại, thực phẩm chế biến khác, xăng dầu…

Doanh nghiệp tham gia phải đảm bảo hàng hóa đạt chất lượng, an toàn thực phẩm và bán đúng giá đã đăng ký, kê khai. Mặt khác, tổ chức các điểm bán lưu động, điểm bán bình ổn trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, khu công nghiệp, khu dân cư; đẩy mạnh kết nối dịch vụ cung ứng hàng hóa qua các kênh thương mại điện tử. Các địa phương duy trì trật tự, sắp xếp ổn định mua bán hàng hóa tại các chợ truyền thống và tiếp tục xây dựng kế hoạch bố trí lô sạp phục vụ dịp tết sắp tới.

Tại TP Cần Thơ, Sở Công thương đã xây dựng Chương trình bình ổn hàng hóa năm 2023, Tết Nguyên đán 2024 và làm việc với doanh nghiệp, nhà cung cấp từ sớm; tăng cường hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản trên địa bàn thành phố nhằm chuẩn bị nguồn hàng tốt nhất cho mùa mua sắm cuối năm.

Tương tự, tỉnh Trà Vinh đã vận động 6 doanh nghiệp, 5 siêu thị và 13 cửa hàng tiện lợi tham gia dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường, với tổng giá trị đạt hơn 7.000 tỷ đồng phục vụ thị trường những tháng cuối năm và Tết Giáp Thìn 2024.

Đáng chú ý, để đảm bảo nguồn hàng phục vụ tết, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã chủ động nguồn vốn tự có và vốn vay của quỹ tín dụng, với hạn mức và lãi suất ưu đãi. Theo đó, các mặt hàng thiết yếu được bày bán tại các đơn vị tham gia chương trình và được phân phối, cung ứng tại 38 điểm bán hàng trên địa bàn tỉnh, tổ chức 4 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn những ngày cận tết.

Ông Phạm Phước Trãi, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Trà Vinh, cho biết, so với tết 2023, chương trình bình ổn có sự tập trung chuẩn bị hàng hóa với lượng dự trữ tăng hơn. Đặc biệt, năm nay có sự vào cuộc của UBND các huyện, thị xã, thành phố nên hàng hóa cũng được phân bổ đều hơn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong dịp tết năm 2024.

Theo Sở Công thương các tỉnh khu vực Tây Nam bộ, để đảm bảo thị trường không biến động lớn hoặc xảy ra trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết, ngoài ký thỏa thuận, Sở Công thương các tỉnh, thành khu vực Tây Nam bộ còn ký thỏa thuận với TPHCM để hỗ trợ địa phương trong trường hợp khan hiếm hàng đột xuất.

Theo ghi nhận, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, bánh kẹo, hàng hóa tiêu dùng, các nhà phân phối lớn nhỏ ở khu vực Tây Nam bộ đều đã lên phương án cụ thể cho mùa kinh doanh cuối năm và Tết Nguyên đán. Trong đó, ở góc độ nhà phân phối, hệ thống siêu thị Co.opmart của nhà bán lẻ Saigon Co.op tại 13 tỉnh, thành phố trong vùng đã chủ động nguồn hàng và kế hoạch cung ứng cho mùa tết.

Cụ thể, các siêu thị làm việc với nhà cung cấp thuộc lĩnh vực như thực phẩm, rau củ, bánh kẹo,… để tăng 30-50% lượng hàng phục vụ tết, so với tết năm ngoái. Nhà bán lẻ này khẳng định đã, đang và sẽ tiếp tục bố trí các hoạt động giảm giá, khuyến mãi theo từng nhóm hàng và sắp xếp các đợt giảm giá riêng theo thứ tự ưu tiên mua sắm của khách hàng. Thông qua việc giảm giá hàng hóa, nhà bán lẻ này mong muốn mang đến những sản phẩm chất lượng, giá ổn định để người tiêu dùng thuận lợi mua sắm chi tiêu dịp cuối năm.

Tin cùng chuyên mục