Theo đó, từ nay đến năm 2030, EU sẽ xây dựng công nghệ cho phép người dân và doanh nghiệp nắm bắt cơ hội của công cuộc chuyển đổi kỹ thuật số. Giới lãnh đạo châu Âu lâu nay vẫn quan ngại về sự phụ thuộc của EU vào các công ty công nghệ nước ngoài để lưu trữ dữ liệu.
Theo Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, châu Âu nên xây dựng chủ quyền kỹ thuật số bằng cách phát triển nền tảng dữ liệu của riêng mình. Bên cạnh đó, thay vì tìm cách xây dựng những “gã khổng lồ” công nghệ mới, EU nên phát triển hơn nữa quy định và đầu tư để giảm thiểu sự phụ thuộc vào công nghệ ngoài châu Âu.
Theo thống kê, khoảng 94% dữ liệu ở châu Âu được lưu trữ tại Mỹ. Hiện 6/10 công ty công nghệ lớn nhất thế giới là của Mỹ và không có công ty châu Âu nào trong danh sách này. Xuất phát từ thực tế trên, đề xuất của Phó Chủ tịch EC có 2 mục tiêu chính.
Thứ nhất, đó là danh sách các quy định về kỹ thuật số của châu Âu nhằm bảo vệ và trao quyền tự chủ cho người dân; thứ hai, là một la bàn kỹ thuật số với mục tiêu chung nhằm giúp tiến trình số hóa thành công cùng một hệ thống giám sát để theo dõi các tiến triển. EC sẽ cố gắng giảm thiểu rủi ro liên quan đến việc các nước thứ ba sở hữu dữ liệu của EU bằng cách đặt ra một loạt mục tiêu cho năm 2030, giúp khối này mua sắm các công nghệ xử lý dữ liệu thế hệ mới nhất. EC cũng nhấn mạnh điều cần thiết là phải đạt được kết nối tốc độ cao vào năm 2030 với việc tập trung triển khai các công nghệ di động và cố định, bao gồm 5G và 6G. Mục tiêu cụ thể là tất cả các khu vực đông dân cư sẽ được phủ sóng 5G (hoặc 6G) vào năm 2030.
EC dự kiến sớm bắt đầu quá trình tham vấn rộng rãi về các mục tiêu trên thông qua thiết lập diễn đàn giữa các bên liên quan đến những kế hoạch tương lai. Giới quan sát cho rằng, nếu thành công trong kế hoạch tự chủ kỹ thuật số, mọi công dân EU sẽ được hưởng lợi đầy đủ từ những tiện ích, phúc lợi do một xã hội kỹ thuật số toàn diện mang lại. Bên cạnh đó, kế hoạch còn thúc đẩy các quốc gia thành viên EU hợp tác cùng nhau phát triển công nghệ.