Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân: Mở rộng tiêu chí để thu hút tài năng

Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân: Mở rộng tiêu chí để thu hút tài năng

Ngày 9-7, Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần VIII đã kết thúc sau ba ngày làm việc. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (ảnh) tiếp tục nắm giữ trọng trách Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nhân dịp này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi.

° PV: Ông có thể cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam trong nhiệm kỳ tới ?

° Nhạc sĩ ĐỖ HỒNG QUÂN: Nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của hội hướng tới là thúc đẩy công tác lý luận phê bình âm nhạc. Gắn công tác phê bình với đời sống âm nhạc là để những người làm việc trong lĩnh vực lý luận phê bình, có kiến thức chuyên môn, trở thành người lính trên mặt trận báo chí góp phần định hướng công chúng yêu nhạc. Bên cạnh đó, hội sẽ tích cực và tạo điều kiện quảng bá tuyên tuyền các tác phẩm sáng tác mới có chất lượng tốt đến với công chúng, đồng thời thúc đẩy sức sáng tạo của các nghệ sĩ sáng tác. Theo tôi, một trong những điều hội sẽ nỗ lực thực hiện trong thời gian tới là chủ động “bắt tay”, liên kết chặt chẽ với các cơ quan truyền thông như đài phát thanh, đài truyền hình… nhằm đưa âm nhạc lan tỏa tới mọi vùng miền của Tổ quốc, giúp các tác phẩm cất cánh.

Ban Chấp hành (BCH) hội có 17 người, trong đó có các nhạc sĩ, nhà lý luận phê bình âm nhạc nhiều kinh nghiệm, uy tín, nhạc sĩ trẻ tài năng và đặc biệt là có sự tham gia của một số nhạc sĩ ở TPHCM, đã tăng thêm sức mạnh của BCH mới. Lần đầu tiên, BCH hội có sự tham gia của một thành viên thuộc giới phát thanh truyền hình, điều này sẽ góp phần hữu hiệu qua việc quảng bá các tác phẩm âm nhạc tới quảng đại quần chúng.

Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân: Mở rộng tiêu chí để thu hút tài năng ảnh 2

Nhà hát giao hưởng và Vũ kịch TPHCM đã được nâng cấp và phát triển. Ảnh: AN DUNG

° Sự xuất hiện của nhiều trào lưu âm nhạc mới thiếu lành mạnh vẫn gây bức xúc dư luận. Hội có giải pháp nào về vấn đề này?

° Cũng như các ngành nghệ thuật, những bức xúc không thể tự dưng dẹp đi hoặc cấm đoán, hạn chế một cách cơ học. Tuy nhiên, khi những tác phẩm kém chất lượng được kiểm soát thông qua một hệ thống chuyên môn, thì tác hại của chúng sẽ được giảm thiểu. Song chúng ta không thể hoàn toàn dựa vào phương pháp kiểm duyệt này.

Theo tôi, quan trọng hơn là việc cần có nhiều tác phẩm hay, tác phẩm tốt, có nhiều chương trình nghệ thuật đích thực thì sẽ không còn chỗ cho những tác phẩm thiếu chất lượng. Khi có nhiều tác phẩm tốt cho công chúng lựa chọn, cái xấu sẽ không có cơ hội phát triển. Trong thời gian tới, việc đầu tư, khuyến khích sáng tạo cũng sẽ được quan tâm thích đáng. Các nhạc sĩ đều có quyền viết đề án để tác phẩm được xem xét đầu tư, phía hội cũng chủ động “chọn mặt gửi vàng” đầu tư cho các tác giả có khả năng, tâm huyết để ra đời những tác phẩm tốt.

° Một trong những điều dễ nhận thấy là các nhạc sĩ trẻ  ít quan tâm tới hoạt động hội? Quan điểm của ông về vấn đề này?

° Thị trường âm nhạc TPHCM rộng và sôi động, do đó nó có nhiều nét rất khác biệt. Như âm nhạc thị trường chẳng hạn, là một vòng khép kín từ sáng tác, thu thanh, ca sĩ, biểu diễn… và họ cảm thấy như vậy là đủ. Bên cạnh đó, tiêu chí gia nhập hội cần có bằng đại học âm nhạc hoặc bằng tương đương, cũng là một trong những rào cản đối với một số người đến với hội nghề nghiệp. Hy vọng rằng, sự tham gia nhiều hơn của các nhạc sĩ phía Nam vào BCH hội kỳ này sẽ tạo ra sự cởi mở, thu hút được nhiều nhạc sĩ phía Nam tham gia tổ chức.

° Như vậy có thể hiểu là tiêu chí của hội sẽ có nhiều sửa đổi theo hướng mở rộng để thu hút hội viên?

° Đúng vậy. Trước đây tiêu chí trở thành hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam phải có trình độ đại học âm nhạc, song giờ tiêu chí gia nhập đối với các nhạc sĩ trẻ đã được nới rộng, nhằm thu hút tài năng âm nhạc trẻ. Thay vì việc phải có bằng đại học âm nhạc, hội viên có thể có bằng đại học tương đương, song phải có ít nhất 5 năm đã hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc. Nhạc sĩ có những tác phẩm âm nhạc tốt phục vụ địa phương và có những thành tích, giải thưởng trong các cuộc thi âm nhạc, cũng sẽ được coi là điểm ưu tiên xét chọn kết nạp. Việc mở rộng tiêu chí theo hướng cởi mở hơn sẽ góp phần dung hòa, tạo điều kiện cho nhiều đối tượng tham gia hội, góp phần tăng tính xã hội trong hoạt động của hội.

° Xin cảm ơn nhạc sĩ!

 VĨNH XUÂN (thực hiện)


  • Gắn kết âm nhạc với đời sống

Ngày 9-7, Đại hội đại biểu Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội với sự tham gia của hơn 630 đại biểu đại diện cho hơn 1.100 hội viên trong cả nước. Đại hội đã bầu ra BCH nhiệm kỳ mới gồm có 17 người, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã tái đắc cử Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa VIII (nhiệm kỳ 2010- 2015).

Tại đại hội, nhiều vấn đề nóng của âm nhạc Việt Nam đã được nêu ra bàn thảo như: việc gắn kết của âm nhạc chuyên nghiệp với đời sống; vai trò của hội trong việc phát hiện, nuôi dưỡng các tài năng âm nhạc trẻ... Đặc biệt, đại hội cũng đưa ra kiến nghị việc sớm ban hành Luật Âm nhạc nhằm tạo ra một thiết chế tổng hợp cho các hoạt động âm nhạc trong nước và giao lưu với nước ngoài, nhằm đảm bảo tính định hướng cho việc xây dựng một nền âm nhạc Việt Nam trong thời kỳ mới.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục