Tham dự và chủ trì buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM.
Cùng dự còn có các đồng chí lãnh đạo bộ ngành Trung ương, các vị ĐBQH đoàn TPHCM. Về phía TPHCM có đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM.
Cần có một cơ chế mới cho TPHCM
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận xét, trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức, TPHCM đã mạnh mẽ vượt qua đại dịch và phục hồi kinh tế xã hội với nhiều chỉ tiêu rất ấn tượng. Dù vậy, TPHCM cũng không nên quá lạc quan vì mức tăng trưởng cao vừa qua đặt trong bối cảnh tăng trưởng âm rất sâu của năm ngoái.
Theo Chủ tịch nước, điều đáng mừng là lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã có nhiều cách làm mới, đoàn kết, quyết tâm cao, có ý chí, mang lại sự tươi mới, sức sống mới cho Thành phố.
Chủ tịch nước nêu lên những khó khăn thách thức mà TPHCM phải đối mặt. Trong đó, vị trí vai trò đầu tàu tăng trưởng của TPHCM với cả nước và phía Nam đang giảm dần, trong đó có những nguyên nhân về bất cập ngày càng nghiêm trọng về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cần tìm cách làm mới hiệu quả hơn. Nền công vụ địa phương cũng bất cập so với quy mô, tốc độ phát triển của Thành phố.
Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 16, Nghị quyết 54, Chủ tịch nước nhận xét, thời gian qua TPHCM đã triển khai có nhiều kết quả, nhưng vẫn còn hạn chế, chưa tận dụng và phát huy hết được.
Theo Chủ tịch nước, các ý kiến tại hội nghị lần này đều ủng hộ nên có một cơ chế mới cho TPHCM với nội dung thiết thực hơn, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa cho TPHCM, trong đó có những nội dung về quy hoạch, đầu tư, xây dựng. “Nếu TPHCM chuẩn bị tốt thì báo cáo sớm với Bộ Chính trị, để năm 2023 có thể có cơ chế mới cho TPHCM. Tinh thần là phải tạo điều kiện thuận lợi hết sức để TPHCM thực hiện thành công cơ chế thí điểm mới”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch nước, tinh thần là cơ chế mới này sẽ tạo thế và lực để trước hết giải quyết được những bức xúc cho TPHCM, như ùn tắc, ngập lụt, sụt lún… Chủ tịch nước đề nghị, TPHCM cùng Hà Nội có sứ mệnh đưa Việt Nam dẫn đầu ASEAN về sức cạnh tranh công nghệ, ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ số và các lĩnh vực then chốt khác.
TPHCM kiên cường vượt qua thử thách
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên bày tỏ, hai năm qua TPHCM triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ TPHCM, cũng là quãng thời gian nghiệt ngã, với nhiều thử thách chưa từng có. “Nhưng một lần nữa, chính nơi đây đã tỏ rõ sự phi thường của một Thành phố có truyền thống đoàn kết, năng động sáng tạo nghĩa tình”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Theo đồng chí, trong đại dịch, lãnh đạo và người dân đã kiên cường vượt qua. Trong phục hồi, chính người dân, doanh nghiệp, hệ thống chính trị đã chứng minh sự mạnh mẽ của một đầu tàu, như muốn nói rằng chỉ cần đủ nhiên liệu, và một đường ray thật an toàn tốc độ cao, thì chuyện tăng tốc của con tàu là trong tầm tay.
Trân trọng những góp ý, tình cảm mà các vị ĐBQH, lãnh đạo Bộ ngành Trung ương và đặc biệt là đồng chí Chủ tịch nước dành cho TPHCM, đồng chí Nguyễn Văn Nên khẳng định, TPHCM cần một cơ chế vượt trội mang tính đột phá, với tinh thần vừa tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đồng thời cũng là nơi thí điểm những vấn đề mới để Trung ương rút kinh nghiệm.
TPHCM sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ đạo cụ thể của Tổng Bí thư trong buổi làm việc ngày 23-9 và của Chủ tịch nước trong buổi làm việc này với tinh thần trách nhiệm cao nhất, không phụ lòng lãnh đạo và nhân dân.
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, các vị ĐBQH đoàn TPHCM đã phát biểu nhiều ý kiến tâm huyết, góp ý định hướng phát triển cho TPHCM ở nhiều lĩnh vực, từ quy hoạch, đến phát triển khoa học công nghệ, giao thông, giáo dục… Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị: TPHCM cần tập trung cho công tác quy hoạch để khai thác tốt các tiềm năng, nguồn lực về đất đai, vị trí, điều kiện tự nhiên, con người. Hiện nay, TPHCM đang điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch chung xây dựng TP Thủ Đức, lập quy hoạch phân khu Khu đô thị Tây Bắc. Nếu làm tốt các quy hoạch này sẽ khai thác tốt nguồn lực, khắc phục các hạn chế bất cập về ùn tắc giao thông, ngập úng, thích ứng biến đổi khí hậu. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG Có 6 yếu tố để TPHCM trở thành đầu tàu, động lực tăng trưởng phát triển: - Tài chính ngân sách là phải có một mức độ tự chủ cao hơn mặt bằng pháp lý và cơ chế hiện hữu - Nguồn lực đất đai, nhà cửa - Mở cửa hội nhập thu hút đầu tư nước ngoài - Ứng dụng khoa học công nghệ TPHCM phải có sự tự chủ cao hơn - Tổ chức bộ máy - Nhân sự Những yếu tố này không thể tách rời nhau. Nếu Trung ương cho TPHCM mức tự chủ cao hơn thì 6 yếu tố này là những yếu tố then chốt. Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM Vũ Hải Quân: Nhìn nhận thực tế tốc độ phát triển của TPHCM giai đoạn vừa qua có sự chậm lại. Trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 đề xuất tỷ lệ điều tiết ngân sách giữ lại TPHCM ổn định mức 21% đến năm 2025. Tuy nhiên, để tạo đà phát triển hơn nữa cho TPHCM, cần nâng lên 23% giai đoạn 2023 - 2025 và từ năm 2026 trở đi là 25%. Tỷ lệ 2% tăng thêm đề nghị dùng để đầu tư cho khoa học công nghệ, nhân lực. |