Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp đoàn cán bộ Bộ Ngoại giao tiêu biểu qua các thời kỳ

Chào mừng 70 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam, chiều 20-8, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp đoàn cán bộ Bộ Ngoại giao tiêu biểu qua các thời kỳ.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp đoàn cán bộ Bộ Ngoại giao tiêu biểu qua các thời kỳ

* Ngoại giao Việt Nam: Làm bạn với các nước, không gây thù oán với ai

(SGGP).- Chào mừng 70 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam, chiều 20-8, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp đoàn cán bộ Bộ Ngoại giao tiêu biểu qua các thời kỳ.

Cùng tham dự có nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao: Nguyễn Mạnh Cầm, Phạm Gia Khiêm; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các cán bộ ngoại giao tiêu biểu qua các thời kỳ.

Phát biểu tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những thành tựu, đóng góp quan trọng của ngành Ngoại giao trong suốt chặng đường lịch sử 70 năm qua. Chủ tịch nước chúc các đồng chí lão thành ngoại giao, các đồng chí lãnh đạo Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ và qua các đồng chí gửi đến toàn thể cán bộ, công nhân viên chức ngành ngoại giao hạnh phúc, sức khỏe và thành công; chúc ngành ngoại giao ngày càng thu được nhiều thành tích mới, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, Bộ Ngoại giao có vinh dự và may mắn mà không bộ, ngành nào khác có được. Đó là ngay từ những ngày đầu thành lập ngành đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân chỉ đạo, dìu dắt trên cương vị bộ trưởng. Lớp cán bộ ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam mới đã được Bác Hồ trực tiếp rèn luyện, dìu dắt, trong đó nhiều đồng chí sau này đã làm nên sự nghiệp ngoại giao lẫy lừng, giữ những cương vị lãnh đạo chủ chốt. Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại, Ngoại giao Việt Nam đã lập nên những thành công hiển hách, góp phần xứng đáng vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Từ Hiệp định sơ bộ 6-3-1946, Tạm ước 14-9-1946 đến Hiệp định Genève năm 1954 và Hiệp định Paris năm 1973, ngoại giao đã sát cánh cùng các mặt trận chính trị, quân sự giành thắng lợi từng bước, tiến đến giành thắng lợi hoàn toàn, giành độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc.

Công cuộc Đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, tiến hành 30 năm qua đã giúp Ngoại giao Việt Nam thực sự cất cánh. Ngày nay, cán bộ Ngoại giao lại là những chiến sĩ đi đầu trên mặt trận không tiếng súng góp phần bảo vệ từ xa thành quả cách mạng, giữ nước từ khi nước còn chưa nguy. Chủ tịch nước đánh giá, các cán bộ ngành ngoại giao đang làm rất tốt việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong tình hình mới, góp phần không ngừng nâng cao thế và lực của đất nước.

Cùng ngày, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Ngoại giao Việt Nam: 70 năm truyền thống và định hướng tương lai”. Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo, dìu dắt trực tiếp của Người đối với Bộ Ngoại giao và đội ngũ cán bộ đối ngoại ngay từ những ngày đầu thành lập. Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh với nội dung cốt lõi là “làm bạn với các nước, không gây thù oán với ai” đã là kim chỉ nam cho ngoại giao Việt Nam qua các giai đoạn đấu tranh của dân tộc, cũng như trong công cuộc đổi mới ngày nay. Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực đưa các mối quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, trước hết với các đối tác chủ chốt. Trong ngoại giao đa phương, Việt Nam tiếp tục đóng vai trò thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của ASEAN, đồng thời tham gia tích cực hơn nữa vào các cơ chế đa phương khác ở khu vực và trên thế giới, trước hết là Liên hiệp quốc.

Trong hai phiên làm việc, hội thảo đã nghe 8 tham luận và nhiều ý kiến phát biểu của đại diện các phái đoàn ngoại giao, Liên hiệp quốc, Ngân hàng Thế giới và một số tổ chức phi chính phủ. Các ý kiến phát biểu đều đánh giá cao vai trò quan trọng và những thành tựu to lớn mà Ngoại giao Việt Nam đã đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế quốc tế của đất nước trước đây cũng như trong thời kỳ hội nhập quốc tế toàn diện hiện nay và khẳng định, Việt Nam luôn là nhân tố tích cực và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại châu Á - Thái Bình Dương.

Về định hướng cho tương lai, các đại biểu đều bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ có vai trò quan trọng và những đóng góp to lớn hơn nữa cho cộng đồng quốc tế; sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho việc gìn giữ hòa bình, ổn định của khu vực thông qua lập trường về giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đại sứ Mỹ Ted Osius cho rằng ngoại giao Việt Nam luôn luôn theo đuổi những nguyên tắc nền tảng trong quan hệ quốc tế, đó là tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng lợi ích của Việt Nam và của đối tác, và duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, và nhấn mạnh: Việc Việt Nam kiên trì các nguyên tắc này là cơ sở để bạn bè và đối tác tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong giai đoạn tới.

NGỌC MINH - THÀNH NAM

Tin cùng chuyên mục