Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: "Giải pháp ngắn hạn không được gây bất ổn trong dài hạn"

Sáng 30-11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã chủ trì cuộc làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế và nhóm chuyên gia, nhà nghiên cứu về chính sách tài chính, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì cuộc làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế và nhóm chuyên gia
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì cuộc làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế và nhóm chuyên gia

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự kiến Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 sẽ được tổ chức vào ngày 5-12 tới đây với sự phối hợp của 3 cơ quan là Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, có kết nối với các điểm cầu trong nước và các học giả, các chuyên gia, nhà nghiên cứu của các nước trên thế giới.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, để thực hiện thành công chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, cần có những đánh giá tác động hết sức kỹ lưỡng, vì dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tác động đến kinh tế thế giới theo nhiều chiều kích và quy mô khác nhau. Tương tự, tình hình kinh tế - xã hội ở trong nước cũng cần được đánh giá về mức độ thiệt hại và khả năng phục hồi, từ đó xác định những lĩnh vực “trong nguy có cơ” (như lĩnh vực kinh tế số, kinh tế xanh, công nghệ thông tin…) để có thể đẩy nhanh tốc độ phục hồi, tạo tác động lan tỏa tích cực. “Đặc biệt, các giải pháp ngắn hạn cũng phải đặt trong tổng thể dài hạn, gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững chứ không thể đưa ra các chính sách có thể giúp phục hồi kinh tế trong ngắn hạn, trước mắt nhưng lại gây bất ổn vĩ mô trong dài hạn”, đồng chí Vương Đình Huệ lưu ý.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trên cơ sở đánh giá tác động và phân tích dư địa của chính sách tài chính, tiền tệ phải xác định rõ các nguyên tắc, quy mô, liều lượng, trọng tâm của chính sách tập trung vào các lĩnh vực nào, phân bổ vào đâu và phải có đề xuất cụ thể về phương thức huy động nguồn lực, các giải pháp liên quan đến lĩnh vực tài chính, tiền tệ.

Chủ tịch Quốc hội thông tin, hiện nay Chính phủ đã thiết kế đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuần trước, lãnh đạo Quốc hội đã dành 2 ngày làm việc với Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội để nghe và cho ý kiến về đề án này cùng với 4 nội dung khác dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường.

Tại cuộc làm việc, Thường trực Ủy ban Kinh tế và nhóm chuyên gia, nhà nghiên cứu đã báo cáo với lãnh đạo Quốc hội những kết quả nghiên cứu và cho ý kiến về các vấn đề liên quan đến chính sách tài chính, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các căn cứ, yếu tố tác động đến việc thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ, dư địa và khả năng thực hiện, các nguyên tắc, quy mô, liều lượng, trọng tâm của chính sách và giải pháp huy động nguồn lực…

Tin cùng chuyên mục