Chú trọng phương pháp tự học, tự nghiên cứu

Trường phổ thông sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy và học tập, chú trọng hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu, phương pháp làm việc theo nhóm...
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, đã khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo SGGP xung quanh một số công tác chuẩn bị năm học mới 2017-2018. Trong đó, xây dựng trường lớp và chuẩn bị đội ngũ là hai vấn đề được ngành giáo dục ưu tiên tập trung thực hiện trong năm học này.

Thực hiện tốt chính sách thu hút giáo viên

- PHÓNG VIÊN: Thưa ông, năm học 2017-2018, toàn TP tăng hơn 59.000 học sinh ở tất cả bậc học. Sở GD-ĐT TP đã có những chuẩn bị gì để đảm bảo đủ chỗ học cho tất cả học sinh?

* Ông LÊ HỒNG SƠN: Năm học 2017 - 2018, số học sinh tăng nhiều ở 2 bậc mầm non và tiểu học, tập trung tại các quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, Thủ Đức và 3 huyện ngoại thành gồm Bình Chánh, Hóc Môn và Củ Chi. Để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, TP tiếp tục tăng cường đầu tư xây dựng trường, lớp. Dự kiến số phòng học mới đưa vào sử dụng vào ngày 5-9-2017 là 1.479 phòng học. Nhằm thực hiện chỉ tiêu đến năm 2020 đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3 - 18 tuổi) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X, Sở GD-ĐT TP đã rà soát với 24 quận, huyện về kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020, trong đó sẽ triển khai 722 dự án xây dựng trường học với tổng quy mô 12.785 phòng.

- Về tuyển dụng giáo viên, trong năm học này sẽ có những thay đổi gì trong chính sách tuyển dụng và chế độ đãi ngộ để thu hút thêm nguồn nhân lực?

* Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, trong năm học 2017 - 2018, TP sẽ cho phép tuyển dụng giáo viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ không cần hộ khẩu TP. Ngoài ra, tại kỳ họp thứ 5, HĐND TPHCM khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 6-7-2017 về chính sách thu hút giáo viên mầm non đang công tác trên địa bàn TP. Theo đó, bên cạnh việc ban hành nhiều chế độ, chính sách đãi ngộ đối với giáo viên mầm non công lập, nghị quyết còn cho phép tuyển dụng giáo viên không có hộ khẩu TPHCM từ năm học 2017 - 2018.

Trước đó, Nghị quyết số 113/NQ-HĐND ngày 7-12-2016 của HĐND TPHCM khóa IX đã cho phép tiếp tục thực hiện chế độ hỗ trợ thu nhập trong 3 năm đầu đối với giáo viên mầm non mới ra trường được tuyển dụng, bắt đầu từ năm học 2017-2018. Cụ thể, giáo viên trong năm đầu công tác được hỗ trợ 100% lương cơ sở/người/tháng, hỗ trợ thêm 70% lương cơ sở/người/tháng đối với năm thứ hai sau khi được tuyển dụng và 50% lương cơ sở/người/tháng đối với năm thứ ba sau tuyển dụng. Từ năm thứ tư trở đi, các trường thực hiện chế độ tiền lương cho giáo viên theo quy định hiện hành.

Năm học 2017 - 2018, ngành giáo dục sẽ tiếp tục tham mưu UBND TP trình HĐND TPHCM về các chính sách, chế độ hỗ trợ giáo viên tiểu học đang công tác trên địa bàn TP.

Nâng chất lượng các trường ngoại thành

- Liên quan đến lo ngại gia tăng bạo lực học đường trong những năm gần đây, xin ông cho biết Sở GD-ĐT TP đã có những chủ trương, biện pháp gì để hạn chế hành vi liên quan đến bạo lực của học sinh?

* Sở GD-ĐT TPHCM đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP tăng cường công tác an ninh trật tự trường học, trong đó đặc biệt lưu ý công tác phòng, chống bạo lực học đường. Một số giải pháp cụ thể như phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề khúc mắc của học sinh để giải quyết kịp thời, hạn chế thấp nhất bạo lực xảy ra. Ngoài ra, trường học có nhiệm vụ tăng cường phối hợp với gia đình trong việc quản lý, giáo dục học sinh, đặc biệt là những học sinh chưa ngoan. Theo đó, một số nội dung trọng tâm ngành giáo dục sẽ tập trung thực hiện trong năm học này gồm tăng cường tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên chủ nhiệm, tổ chức thường xuyên các lớp giáo dục tâm lý sư phạm, tâm lý lứa tuổi, hướng dẫn quy định xử lý học sinh để trang bị thêm kỹ năng, kiến thức cho đội ngũ giáo viên; đẩy mạnh việc tích hợp giáo dục đạo đức cho học sinh vào các môn học, nhất là môn giáo dục công dân; đổi mới phương thức tổ chức và hoạt động của các tổ chức Đoàn - Đội trong nhà trường, tổ chức nhiều phong trào bổ ích, hấp dẫn, có ý nghĩa giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách cho học sinh. Bên cạnh đó, để phát huy vai trò của lực lượng giám thị và quản nhiệm, Sở GD-ĐT TP sẽ nghiên cứu, đề xuất các chính sách, chế độ đãi ngộ với lực lượng này.

- Nhằm thực hiện chủ trương đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục, trong năm học tới, chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện các đề án, giải pháp gì để nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn TP?

* Năm học 2017 - 2018, ngoài việc quan tâm giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống cho học sinh, ngành giáo dục sẽ đẩy mạnh công tác giáo dục nghệ thuật và thể chất. Cụ thể, sẽ có một số đổi mới mạnh mẽ về giảng dạy và học tập các môn nhạc, họa, thể dục, trong đó chú trọng phát triển âm nhạc dân tộc và các môn võ dân tộc trong nhà trường, tập trung xây dựng hồ bơi để thực hiện thành công Đề án “Phổ cập bơi cho học sinh”. Bên cạnh đó, hoạt động giáo dục kỹ năng thực hành xã hội cho học sinh cũng được chú trọng thực hiện. Trường phổ thông sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy và học tập, chú trọng hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu, phương pháp làm việc theo nhóm, tự chinh phục kiến thức thay cho việc nhồi nhét. Tăng cường tổ chức cho học sinh tham gia các tiết học ngoài nhà trường nhằm gắn liền lý thuyết với thực tiễn; khuyến khích, hướng dẫn và tạo điều kiện để học sinh nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống.

 Trong năm học 2017-2018, TPHCM sẽ đẩy mạnh xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, nâng cao chất lượng các trường ngoại thành trong chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện trường theo mô hình tiên tiến, hội nhập tại tất cả các cấp học, bậc học.

- Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục