Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
(SGGP). – Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc sáng 23-12, tại Hà Nội. Phiên họp diễn ra trong hai ngày (23 và 24-12), nhằm đánh giá kết quả kỳ họp thứ 6 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XIII. UBTVQH cũng sẽ xem xét thông qua Pháp lệnh Cảnh sát cơ động; chương trình công tác năm 2014 của UBTVQH; chương trình hợp tác quốc tế của các cơ quan của Quốc hội năm 2014; cho ý kiến về kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014) và dự thảo báo cáo của UBTVQH tổng kết việc thi hành Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001.
Theo đánh giá của UBTVQH, kỳ họp thứ 6 là kỳ họp bản lề của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Các nội dung được Quốc hội xem xét, quyết định đều đạt chất lượng tốt, đồng thuận cao, thu hút sự quan tâm, theo dõi của nhân dân và cử tri cả nước. Kết quả của kỳ họp đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới; tạo dấu ấn tốt đẹp, được sự tin tưởng của nhân dân... Các thành viên UBTVQH cũng nhận định, đây là kỳ họp có nhiều đổi mới, đảm bảo tính dân chủ, thẳng thắn, công khai minh bạch.
Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 6, một số dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu chưa được chuẩn bị kỹ, còn thiếu dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành kèm theo. Việc sắp xếp thời gian thỏa đáng để Quốc hội thảo luận trong một số trường hợp còn chưa hợp lý. Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7, công tác lập pháp được UBTVQH đặc biệt nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị trong thời gian tới cần ưu tiên thời gian cho việc xây dựng các văn bản pháp luật để triển khai thực thi Hiến pháp. Năm 2014 - 2015 phải tăng cường thời gian hoàn thiện, thông qua một số dự luật nhằm đáp ứng yêu cầu của Hiến pháp. Tham dự phiên họp, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha đề nghị cân nhắc việc tổ chức thêm một kỳ họp Quốc hội chuyên về xây dựng pháp luật.
Xuất phát từ nhận xét rằng nhiều nội dung phát biểu tại hội trường bị trùng lặp với thảo luận tổ, lãng phí thời gian, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, tới đây nên tiến hành tổng hợp thật đầy đủ ý kiến thảo luận tại tổ; tập trung đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội; từ đó yêu cầu Chính phủ báo cáo rõ tại phiên họp toàn thể những chỉ tiêu nào không đạt được, vì sao và trách nhiệm thuộc về ai. “Như vậy mới thực sự là giám sát tối cao và cũng giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian chất vấn” - ông Huỳnh Ngọc Sơn khẳng định.
Cũng quan tâm đến hoạt động chất vấn đối với các thành viên Chính phủ tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa có chung nhận xét nên dành nhiều thời gian hơn nữa để Thủ tướng Chính phủ trực tiếp trao đổi với các vị đại biểu Quốc hội...
Cũng trong sáng 23-12, UBTVQH đã thảo luận và thông qua dự thảo Pháp lệnh Cảnh sát cơ động. Theo đó, cảnh sát cơ động thuộc Công an nhân dân, là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
ANH THƯ