
Sau nhiều năm “tạm trú” tại rạp bạt Công viên 23-9, Đoàn Xiếc TPHCM vừa đưa chương trình xiếc ra Nhà hát TPHCM biểu diễn và bước đầu thu hút khán giả. Nhạc sĩ Hồ Văn Thành – Trưởng đoàn Xiếc TPHCM đã có cuộc trao đổi cùng phóng viên Báo SGGP.

- PV: Sau một thời gian về “dẫn dắt” Đoàn Xiếc TPHCM, anh nhận thấy mình đã “gặt hái” được những thành công nào và còn điều gì khiến anh trăn trở?
- Nhạc sĩ Hồ Văn Thành: Còn rất nhiều vấn đề phải trăn trở ở đơn vị, nhất là khó khăn về cơ sở vật chất. Dự án rạp xiếc hiện đại, dự kiến xây dựng tại khu đất bên cạnh Nhà thi đấu Thể dục Thể thao Phú Thọ - quận 11, vì nhiều lý do khách quan, đến nay, vẫn chưa thể khởi công xây dựng được, cho nên chưa an cư thì sẽ rất khó khăn để nói đến chuyện lạc nghiệp. Nhưng hơn 3 năm qua, Đoàn Xiếc TPHCM đã có những bước nhảy vọt đáng kể: về doanh thu (từ gấp đôi đến gấp bốn lần số doanh thu của những năm trước đó); biểu diễn phục vụ nhiều nơi ở các tỉnh bạn, các trường trại ở vùng sâu vùng xa, các lễ hội của thành phố và các tỉnh bạn; xây dựng được nhiều tiết mục mới-thanh xuân hóa đội ngũ diễn viên; được nhiều đối tác nước ngoài mời biểu diễn doanh thu hàng năm như: Pháp, Bỉ, vùng lãnh thổ Đài Loan... với sự trân trọng, tin tưởng.
- Trước đây, Đoàn xiếc có tiết mục xiếc gấu rất được các em thiếu nhi yêu thích, nhưng cả năm nay không thấy gấu xuất hiện nữa...
- Do bị bệnh đục thủy tinh thể nên những chú gấu đó hay phản ứng, chống cự bất cứ ai đến gần, rất nguy hiểm. Chúng tôi sẽ tìm nguồn kinh phí để đầu tư huấn luyện một cặp gấu mới biểu diễn trong tương lai.
- Đoàn Xiếc TPHCM từng có kế hoạch sẽ đưa khoảng 25 diễn viên trẻ sang Trung Quốc đào tạo, đến nay mọi việc tiến triển đến đâu?

- Vẫn nằm trong kế hoạch xin Sở Văn hóa Thông tin TPHCM, UBND TPHCM đầu tư. Vì kinh phí đào tạo ở nước ngoài khá nhiều so với khả năng của đoàn. Năm nay chúng tôi tiếp tục kiến nghị, hy vọng sẽ được chấp thuận để thực hiện trong năm 2007.
- Hiện nay, chương trình xiếc trình diễn thường xuyên tại Công viên 23-9 dường như mới chỉ dừng lại ở việc sắp xếp tiết mục ra diễn, chứ chưa có sự đầu tư xây dựng chương trình theo từng chủ đề khác nhau. Anh nghĩ sao về điều này?
- Trước đây, chúng tôi cũng có nhiều chương trình kết hợp như vậy về xiếc thú, ảo thuật... Nhưng muốn thu hút người xem hơn có lẽ phải xây dựng những chương trình tổng hợp các loại hình nghệ thuật (ca, múa, nhạc, kịch, rối, xiếc...). Như trên đã nói “không an cư thì không lạc nghiệp”. Muốn dàn dựng chương trình hấp dẫn, phong phú phải cần có thời gian dài để đạo diễn, biên đạo múa, hoạ sĩ, nhạc sĩ đầu tư sáng tác công phu. Chỉ e vở chưa ra mắt được với khán giả, rạp bạt của chúng tôi đã phải dời đi nơi khác. Có nhiều công ty dự định đầu tư hợp tác với chúng tôi thực hiện nhiều chương trình hấp dẫn, hoành tráng nhưng chưa thực hiện vì không biết lúc nào chúng tôi phải dời khỏi Công viên 23-9.
Đoàn Xiếc TPHCM dành tặng bạn đọc Báo SGGP 50 vé xem xiếc miễn phí tại rạp xiếc Công viên 23-9 vào các ngày thứ bảy, chủ nhật. Bạn đọc hãy cắt 3 “Phiếu tặng vé xem xiếc” (đổi 1 vé xem xiếc) và liên hệ với Phòng vé rạp xiếc Công viên 23-9, điện thoại: 9255545 từ 9g – 11g hàng ngày (bắt đầu từ ngày 7-8) để nhận vé. Mỗi bạn đọc được đổi không quá 2 vé và số lượng có hạn nên sẽ ưu tiên những bạn đọc đến sớm. |
ĐỖ NGUYÊN