Chưa quyết liệt chống dịch bệnh

Việc phòng chống dịch SXH tại một số địa phương chưa cao, thiếu hiệu quả, khiến việc triển khai các biện pháp phun hóa chất diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy ở nhiều nơi làm chiếu lệ.

Các giường bệnh phải nằm ghép 2 - 3 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH), thậm chí bệnh viện còn phải kê cả giường bệnh ra hành lang, lấy hội trường, phòng làm việc của nhân viên để làm nơi điều trị bệnh SXH. Trong khi đó, các y, bác sĩ phải tăng ca, tăng kíp, gồng mình làm việc thêm giờ nhưng cũng không đáp ứng được việc khám, điều trị bệnh nhân SXH... Đây là thực trạng đang diễn ra tại hầu hết các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, khi bệnh nhân SXH nhập viện tăng mạnh hàng ngày khiến các bệnh viện lâm vào tình trạng quá tải.

Thống kê mới nhất của Bộ Y tế, cả nước hiện ghi nhận trên 80.555 trường hợp mắc SXH với 22 trường hợp tử vong. Trong đó số trường hợp nhập viện là 69.085 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2016, số mắc SXH tăng 33,5%, số tử vong tăng 5 trường hợp. Đáng chú ý, nếu như mọi năm dịch bệnh SXH thường bùng phát và tăng cao số người mắc tập trung ở các tỉnh thành phía Nam thì năm nay dịch SXH lại quay ra phía Bắc, nhất là trên địa bàn thủ đô. Đến nay Hà Nội đã ghi nhận hơn 13.000 người mắc SXH (tăng gấp 4 - 5 so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó có 7 trường hợp tử vong. Tệ hơn, số người mắc SXH tăng đột biến đã đưa Hà Nội dẫn đầu miền Bắc và đứng thứ hai cả nước về số người mắc SXH. Tất cả quận, huyện trên địa bàn thủ đô đều có bệnh nhân SXH, với gần 1.200 ổ dịch SXH trong cộng đồng, trong đó có tới 40% người mắc là học sinh, sinh viên và lao động ngoại tỉnh.

Số người mắc SXH tăng mạnh trong cả nước, nhất là tại Hà Nội, khiến cho việc điều trị căn bệnh này gặp nhiều khó khăn trước tình trạng bệnh nhân đông như... “vỡ trận”. Thậm chí có nhiều ý kiến cho rằng cơ quan y tế và chính quyền địa phương cần lập thêm cả bệnh viện dã chiến thì may ra mới đáp ứng được nhu cầu điều trị của người bệnh SXH. Tuy nhiên, vấn đề mà người dân và cả cộng đồng đang rất lo lắng và băn khoăn là nguyên nhân nào khiến cho dịch SXH năm nay lại bùng phát dữ dội như vậy thì vẫn chưa rõ. Trong một số cuộc họp gần đây về việc phòng chống dịch SXH, đại diện cơ quan chức năng của Bộ Y tế chỉ đưa ra lý do dịch SXH gia tăng là do biến đổi khí hậu, môi trường, miền Bắc năm nay ít ngày rét, trong khi miền Nam mùa mưa đến sớm, cùng với đó là tốc độ đô thị hóa và giao lưu đi lại là điều kiện thuận lợi cho SXH lan truyền và bùng phát. Cùng với đó, không ít người dân và chính quyền địa phương vẫn chủ quan, lơ là trước dịch bệnh.

Trước thực trạng trên, mới đây tại cuộc họp khẩn về phòng chống dịch SXH, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã bày tỏ thái độ gay gắt cho rằng, ngành y tế không thiếu nhân lực, tiền của, trang thiết bị và cả các giải pháp ngăn chặn nhưng dịch SXH vẫn bùng phát. Phải chăng để dẫn tới tình trạng này là do công tác phòng chống dịch nói chung và SXH nói riêng chưa thực sự quyết liệt và triệt để, thậm chí còn có tâm lý phòng chống kiểu đối phó, nhất là ở tuyến cơ sở. Việc phòng chống dịch SXH tại một số địa phương chưa cao, thiếu hiệu quả, khiến việc triển khai các biện pháp phun hóa chất diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy ở nhiều nơi làm chiếu lệ. Ngay như Hà Nội và nhiều địa phương khác có số người mắc và tử vong do SXH tăng rất cao thời gian qua nhưng tới nay vẫn không chịu công bố dịch trên địa bàn để nâng mức cảnh báo và nâng cao ý thức phòng ngừa của người dân.

Dự báo trong những tháng cuối năm sẽ là “đỉnh điểm” của dịch SXH, điều này đồng nghĩa với việc số người mắc và tử vong do dịch bệnh này sẽ tiếp tục gia tăng, mức độ quá tải tại các bệnh viện sẽ nghiêm trọng hơn. Để ngăn chặn, giảm thiểu số người mắc và tử vong do SXH gây ra, biện pháp quan trọng hàng đầu là tiêu diệt nguồn gây bệnh, tức là diệt muỗi, bọ gậy/lăng quăng. Đây là một biện pháp đơn giản nhưng nếu không có sự chủ động vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, cơ quan y tế và hộ gia đình thì sẽ rất khó có thể thực hiện được hiệu quả.

Cùng với các biện pháp quyết liệt dập dịch ở cộng đồng thì về phía các bệnh viện cũng cần nghiên cứu, sắp xếp lại khâu khám sàng lọc bệnh và thu dung, bố trí buồng bệnh liên hoàn, hợp lý nhằm giảm bớt tình trạng quá tải. Cơ quan y tế và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục kiến thức cho người dân, giúp người dân hiểu đúng về bệnh SXH và chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh; phải quy rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm cá nhân, đơn vị lơ là, chủ quan trong việc phòng chống dịch.

Tin cùng chuyên mục