Chứng chỉ và trình độ người biên tập

Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp chứng chỉ hành nghề cho 804 biên tập viên. Đây là những biên tập viên đầu tiên ở Việt Nam có giấy chứng nhận hành nghề sau khi tham dự lớp tập huấn do bộ tổ chức.

Lý do của việc cấp thẻ này là dựa trên tình hình thực tế của ngành xuất bản thời gian qua. Sau một giai đoạn mở cửa và phát triển mạnh mẽ, ngành xuất bản trong nước bắt đầu bộc lộ những mặt trái. Nhiều cuốn sách có nội dung sai sót, phản cảm thậm chí là ấu trĩ, liên tục xuất hiện trên thị trường gây hoang mang dư luận. Nguyên nhân được xác định có nhiều nhưng quan trọng nhất là sự yếu kém của một số đơn vị xuất bản. Đóng vai trò là lưới lọc nhưng nhiều nhà xuất bản thậm chí không có nhân sự chuyên môn, đặc biệt là đội ngũ biên tập viên, một khâu quan trọng trong quá trình xuất bản một tác phẩm.

Chính vì thế, việc nâng cao trình độ, vai trò của đội ngũ biên tập viên đã được quan tâm hơn. Luật Xuất bản 2013 đã đề cập cụ thể về quy định tiêu chuẩn dành cho một biên tập viên. Chưa hết, kể từ ngày 1-1-2016, sách muốn được xuất bản thì bắt buộc phải được biên tập bởi biên tập viên có chứng chỉ hành nghề, thậm chí cả người chịu trách nhiệm xuất bản là giám đốc, tổng biên tập nhà xuất bản cũng phải có chứng chỉ. Mà để có được chứng chỉ thì bắt buộc phải “hoàn thành khóa bồi dưỡng kiến thức pháp luật xuất bản, nghiệp vụ biên tập theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Nỗ lực chuẩn hóa đội ngũ biên tập viên là việc cần thiết nhằm chấn chỉnh tình trạng lộn xộn trong công tác xuất bản hiện nay. Giám đốc một nhà xuất bản còn cho rằng, với việc cấp chứng chỉ không chỉ nâng cao trình độ mà còn góp phần nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người biên tập đối với những cuốn sách trước khi đưa ra thị trường.

Thế nhưng, với rất nhiều người trong lĩnh vực xuất bản thì việc cấp chứng chỉ hành nghề biên tập viên lại gây ra nhiều lo ngại hơn là vui mừng. Nhiều nhà xuất bản lo lắng trước cái mốc thời gian 1-1-2016 và cho rằng việc phải có chứng chỉ biên tập thì sách mới được xuất bản là quá cứng ngắc. Vậy với tác phẩm tái bản không chỉnh sửa, vốn vẫn giữ nguyên tên biên tập viên cũ, thì sẽ thế nào khi người biên tập đó vì nhiều lý do như về hưu, nghỉ việc, hay thậm chí đã mất không thể có chứng chỉ? Trong xuất bản, có khi người ta còn tái bản những tác phẩm nguyên tác đã xuất bản từ 20 - 30 năm thậm chí 50 năm trước với người biên tập khi đó là một nhân vật nổi tiếng. Và nếu chiếu theo quy định trên thì những cuốn sách như vậy sẽ không được xuất bản.

Một thực tế khác cũng được nêu ra là việc sử dụng đội ngũ biên tập dạng chuyên gia. Như trong lĩnh vực sách y khoa, các nhà xuất bản thường nhờ một bác sĩ hay chuyên viên trong lĩnh vực mà nội dung sách đề cập để biên tập, hiệu đính; sách tham khảo mời thầy cô giáo, sách lịch sử mời nhà sử học, sách kinh tế mời nhà kinh tế học hoặc doanh nhân nổi tiếng… Những người biên tập này gần như chắc chắn không có chứng chỉ biên tập viên, nhưng thử hỏi cuốn sách sẽ thế nào nếu không có tên tuổi của họ ở phần biên tập.

Và một vấn đề gây nghi ngại nhất là việc tấm giấy chứng chỉ có làm nên người biên tập viên giỏi hay không. Trên thực tế, chứng chỉ hành nghề chỉ xác nhận người được cấp đủ tiêu chuẩn làm một biên tập viên, đặc biệt là về vấn đề luật trong xuất bản. Còn ở trình độ, kỹ năng biên tập được xếp thứ yếu do thời lượng học không cho phép có thể dạy nhiều về nghiệp vụ chuyên môn, đặc biệt là việc biên tập vốn là lĩnh vực đòi hỏi kinh nghiệm và vốn kiến thức phong phú. Cũng vì lẽ đó, không phải ngẫu nhiên mà có ý kiến cho rằng, việc có thêm chứng chỉ hành nghề biên tập không đồng nghĩa là sách xuất bản sẽ tốt hơn, ít sai sót hơn. Đó vốn là phạm trù thuộc về trình độ, kiến thức và ý thức trách nhiệm của người biên tập viên hơn là dựa vào một tấm giấy chứng chỉ.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục