Chung kết Thực hiện ước mơ lần 4: Ai sẽ là quán quân?

Vượt qua hơn 205.000 lượt học sinh tham gia tại vòng thi sơ loại, 75 thí sinh tại vòng bán kết, 5 gương mặt xuất sắc nhất đã chính thức bước vào chặng “nước rút” vòng chung kết xếp hạng cuộc thi Thực hiện ước mơ năm học 2015-2016. Ước mơ nào sẽ tỏa sáng và chinh phục Ban giám khảo và mọi người vào ngày 24-4 tới tại hội trường Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM? 
Chung kết Thực hiện ước mơ lần 4: Ai sẽ là quán quân?

(SGGPO).- Vượt qua hơn 205.000 lượt học sinh tham gia tại vòng thi sơ loại, 75 thí sinh tại vòng bán kết, 5 gương mặt xuất sắc nhất đã chính thức bước vào chặng “nước rút” vòng chung kết xếp hạng cuộc thi Thực hiện ước mơ năm học 2015-2016. Ước mơ nào sẽ tỏa sáng và chinh phục Ban giám khảo và mọi người vào ngày 24-4 tới tại hội trường Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM? 

Mỗi ước mơ, mỗi sắc màu

5 thí sinh, mỗi em có một cá tính, màu sắc riêng nhưng niềm đam mê mãnh liệt, khát khao cháy bỏng với ước mơ nghề nghiệp tương lai là điểm chung dễ nhận thấy. Đỗ Nguyễn Thị Tú Minh (lớp 11A1 Trường THPT Phú Nhuận, TPHCM) ước mơ trở thành kỹ sư sinh học; Trần Nguyên Ngọc (lớp 12A2 Trường THPT Nguyễn Hiền, Quảng Nam) gây ấn tượng mạnh với ban giám khảo khi mong ước làm nhà nghiên cứu Hán – Nôm; chàng trai duy nhất top 5 Phạm Hoàng Ân (lớp 10A1 Trường THPT Long Thới, TPHCM) với năng khiếu mỹ thuật nhận ra rằng nghề thiết kế đồ họa rất phù hợp với mình; Nguyễn Thị Xuân Tâm (lớp 12C10 Trường THPT Long Khánh, Đồng Nai) gây xúc động với nhiều người khi chia sẻ ước mơ trở thành bác sĩ ngoại khoa; còn Lê Ngọc Minh Châu (lớp 12A7 Trường THPT Gia Định, TPHCM) lại mang đến một ước mơ rất nhân văn khi mong muốn xây dựng viện dưỡng lão chăm sóc người già.

Trước khi bước vào top 5, Nguyễn Thị Xuân Tâm là một thí sinh nổi trội, được ban giám khảo đánh giá cao. Ước mơ của Tâm là một câu chuyện dài của mất mát, thay đổi và đam mê. Khi em học lớp 3, người anh họ của Tâm bị tai nạn giao thông và được đưa đi cấp cứu ở một bệnh viện nhỏ. Do không được chẩn đoán chính xác và phẫu thuật kịp thời nên đã qua đời. Sự ra đi đó đã làm xuất hiện trong đầu Tâm ý nghĩ sẽ trở thành một bác sĩ phẫu thuật để cứu chữa những trường hợp như anh họ. Tuy nhiên, khi đi học, Tâm lại trở thành một học sinh chuyên văn. “Tình cờ xem bộ phim “Bác sĩ nhân ái” kể về hành trình thực hiện giấc mơ blouse trắng đầy chông gai của vị bác sĩ Ngoại nhi Park Shi On, ký ức về nỗi mất mát trong quá khứ cũng như lòng kính phục với những vị bác sĩ nhân ái đã đánh thức đam mê trong em, và em mới biết ước mơ lớn nhất của em chính là Y khoa”, Xuân Tâm tâm sự.

Xuân Tâm kiến tập tại bệnh viện Bình Dân

Ước mơ trở thành doanh nhân, xây viện dưỡng lão đúng chuẩn quốc tế của Minh Châu bắt đầu từ những điều rất thực tế trong cuộc sống của em, nhất là khi bà ngoại Châu (86 tuổi) mắc chứng Alzheimer, một chứng mất trí phổ biến ở người cao tuổi. Lúc đầu chỉ mới dừng lại ở phạm vi gia đình, ước mơ càng lớn dần lên với Châu theo thời gian. Nhận xét về cô học trò nhỏ, ông Bùi Anh Trung, Giám đốc Viện dưỡng lão Bình Mỹ (huyện Củ Chi, TPHCM) nơi Châu kiến tập, rất ngạc nhiên: “Là một trong những người ở Việt Nam tiên phong xây dựng viện dưỡng lão tư nhân, tôi rất bất ngờ vì trong cuộc thi Thực hiện ước mơ lần 4 có em Minh Châu dám chia sẻ ước mơ như vậy. Châu là một học sinh còn rất nhỏ nhưng em dám nghĩ đến một đề tài khó. Em rất chịu khó học hỏi, sẵn sàng tham gia vào các công việc hỗ trợ các cụ già”.

Minh Châu kiến tập tại Viện dưỡng lão Bình Mỹ

Còn câu chuyện ước mơ của Nguyên Ngọc bắt đầu từ lúc rất nhỏ. Một cô bé 5 tuổi tối nào cũng lẽo đẽo theo ba đi chùa học chữ Hán và rất hứng thú với mấy chữ đặc biệt đó. Sự tò mò, say mê cứ lớn dần qua năm tháng. Đến lúc phải định hướng cho tương lai, cô bé tâm sự với ba và may mắn được hướng dẫn, cho lời khuyên về ngành Hán Nôm. “Càng tìm hiểu, em càng thấy ngành Hán Nôm vô cùng thú vị, có nhiều khía cạnh khác nhau liên quan đến lịch sử, địa lý, văn hoá đất nước mà những thông tin đó thì được lưu giữ, ghi chép thông qua ngôn ngữ Hán Nôm”, Ngọc chia sẻ.

Càng tìm hiểu, Nguyên Ngọc càng thấy ngành Hán Nôm vô cùng thú vị

Từ nhỏ, Phạm Hoàng Ân đã rất thích vẽ và vô cùng hứng thú với các thiết bị điện tử. Nhưng khi học cấp II, em đã không định hướng được mình muốn làm gì trong tương lai. Vào năm lớp 9, sau khi tham gia các cuộc thi sáng tạo và đạt giải, ký ức của thời thơ ấu ùa về với bút chì màu, những bức tranh gửi gắm ước mơ trong đó, Ân phát hiện ra mình thật sự có duyên với nghề thiết kế đồ họa. “Sau nhiều vòng thi của Thực hiện ước mơ, em nghĩ rằng tin vào bản thân thì mình có thể làm được nhiều thứ. Sau này em còn muốn mở công ty, một trung tâm đào tạo về đồ họa cho các bạn trẻ”, Hoàng Ân quyết tâm.

Là một người chăm chỉ, nghiêm túc, chịu khó tìm kiếm thông tin, biết lắng nghe, học hỏi và đặc biệt rất tỉ mỉ, Đỗ Nguyễn Thị Tú Minh được đánh giá rất phù hợp để trở thành một kỹ sư sinh học sau hai ngày kiến tập. Tú Minh chia sẻ: “Nhờ có hai ngày kiến tập em mới thật sự hiểu rõ hơn về ước mơ của mình. Giờ em biết thêm rất nhiều điều và hiểu được bản thân cần phải làm gì để thực hiện được ước mơ”.

Tú Minh được các anh chị tại Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM hướng dẫn các thao tác trong nghiên cứu

Thí sinh nào sẽ “bứt phá” ngoạn mục?

Tại vòng chung kết xếp hạng, 5 thí sinh sẽ tiếp tục thể hiện bản lĩnh và ngọn lửa yêu nghề của mình qua các phần thi: Chạm vào ước mơ, Sống với ước mơ, Giữ lửa ước mơ. Các thí sinh phải thể hiện khả năng xử lý tình huống với khách mời đồng thời chia sẻ giá trị xã hội nghề nghiệp mà mình theo đuổi thông qua phần thi hùng biện. Gay cấn nhất là phần tranh biện với ban giám khảo và các khách mời về quan điểm nghề nghiệp.

Kể từ khi tham gia vòng loại, Xuân Tâm không nghĩ rằng mình sẽ vào chung kết. Vậy mà giờ Tâm đã chính thức cùng 4 bạn thí sinh khác bước vào top 5. Tâm chia sẻ: “Em sẽ thể hiện thật tốt kiến thức và niềm đam mê, thái độ nghiêm túc với nghề nghiệp tương lai. Em đang xem lại thật kỹ những ghi nhận của mình trong đợt kiến tập, đồng thời nghiên cứu thêm những tài liệu ngành Y”.

Ngoài việc đã có một số kiến thức cơ bản, Minh Châu cho rằng em rất may mắn khi được gặp chú Bùi Anh Trung, người sáng lập Viện dưỡng lão Bình Mỹ. “Chú đã truyền đạt những kinh nghiệm trong quá trình xây dựng viện dưỡng lão. Đó không chỉ là tiền bạc, mô hình tổ chức, bài toán tài chính, mà trên hết là sự nhẫn nại và lòng nhân ái. Em cũng đã ngồi tâm sự với các anh, chị điều dưỡng viên về khâu chăm sóc, nghe các cụ ông, cụ bà thủ thỉ câu chuyện của gia đình mình và con đường đến với viện dưỡng lão… Đó là hành trang vô cùng quý giá giúp em tự tin bước vào vòng chung kết”, Châu trải lòng.

Vừa chuẩn bị cho kì thi THPT Quốc gia và vòng chung kết xếp hạng, Nguyên Ngọc đã cố gắng phân bổ thời gian hợp lý để chuẩn bị thật tốt. Ngọc cho hay: “Em dành thời gian đọc, tham khảo thêm tài liệu cũng như hỏi các anh chị đi trước về công việc của một nhà nghiên cứu Hán Nôm để có được kiến thức sâu hơn. Bản thân em sức khoẻ không được tốt nên em sẽ không tạo thêm áp lực mà thoải mái, vui vẻ”.

Rất tự tin nhưng không bật mí nhiều về sự chuẩn bị của mình để tạo bất ngờ, thí sinh Hoàng Ân nhỏ tuổi nhất chia sẻ: “Các chị đối thủ đều lớn hơn em và là những gương mặt ưu tú rất đáng gờm nên em tự nhủ phải cố gắng hết mình. Ước mơ của mỗi người đều đẹp và ước mơ của em cũng vậy. Em sẽ bảo vệ ước mơ này đến cùng, cố gắng hết năng suất”.

Hoàng Ân rất quyết tâm với ước mơ trở thành nhà thiết kế đồ họa

5 thí sinh, ai cũng thể hiện sự quyết tâm rất lớn của mình với vòng chung kết. Cuộc  thi với các em là một cơ hội lớn, một con đường để chạm đến ước mơ. Và tất cả thí sinh khẳng định dù có trở thành quán quân hay không thì quyết tâm và ý chí, tình yêu với ước mơ nghề nghiệp vẫn không hề bị lung lay. 5 thí sinh, 5 ước mơ, 5 hoài bão, tất cả đều rất thật. Ai sẽ bứt phá để trở thành quán quân năm nay? Với niềm đam mê và sức trẻ, 5 gương mặt hứa hẹn sẽ mang lại vòng chung kết đầy gay cấn.

TIỂU TÂN

Tin cùng chuyên mục