Chung tay hành động chống rác thải nhựa

Với quan điểm phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, nước ta đã ban hành và đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, giải pháp quản lý, kiểm soát nạn ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa (nhất là sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy).

 Thủ tướng Chính phủ đã kêu gọi toàn xã hội chung tay hành động để kiểm soát, ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa, không tuyên truyền suông, không vận động chay. Từ tháng 9-2018, Bộ TN-MT đã phát động phong trào thi đua “Hành động để giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa và ni lông” với khẩu hiệu “Nói không với sản phẩm nhựa và túi ni lông dùng một lần”. Phong trào này đã lan rộng, được sự hưởng ứng của các cơ quan, đơn vị và người dân cả nước. Nhiều nhóm thanh niên thiện nguyện nhiệt thành đi vận động trong cộng đồng chống rác thải nhựa, đổi quà tặng để thu gom rác thải nhựa.

Tuy nhiên, trong 5 tháng qua, do tập trung phòng chống dịch Covid-19, phong trào chống rác thải nhựa bị chựng lại, thậm chí nhiều người dù đã nhận thức rõ tác hại của rác thải nhựa với môi trường nhưng vẫn quay lại thói quen lạm dụng sản phẩm nhựa và túi ni lông dùng một lần.

Trong mùa Covid-19, việc bán hàng hóa, thức ăn qua dịch vụ giao hàng rất đắt khách nhưng các siêu thị, hàng quán bỏ quên việc thay thế bao bì nhựa và ni lông bằng sản phẩm thân thiện môi trường. Thật tiếc khi nhớ lại những mô hình, những cách làm rất hay đã được gầy dựng trong phong trào chống rác thải nhựa. Nhiều người đã bỏ công sức nghiên cứu, sản xuất, cung ứng các sản phẩm thay thế bao bì nhựa và ni lông nhưng rồi phải bỏ cuộc do khó cạnh tranh về giá thành sản phẩm. Nhiều siêu thị, tiệm tạp hóa, quán ăn không có bao bì nhựa và ni lông dùng một lần, thay thế bằng túi vải, ly giấy, ống hút tre và các sản phẩm phân hủy hoàn toàn nhưng nay không thể duy trì cũng vì chi phí cao hơn.

Tuần qua, trong hoạt động kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới (5-6), nhiều tỉnh thành tiếp tục khơi dậy phong trào chống rác thải nhựa, xác định đây là việc phải làm với hành động thiết thực, hiệu quả, vì môi trường. Việt Nam là một trong những nước có lượng rác thải nhựa lớn trên thế giới, với 1,8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm. Vì vậy, nếu phong trào chống rác thải nhựa bị chựng lại thì tác hại cho môi trường sẽ rất lớn. Thực tế cho thấy việc chống rác thải nhựa không thể chỉ là một chiến dịch cao điểm mà phải là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa thường xuyên và lâu dài.

Khi ban hành Kế hoạch 3098/KH-UBND thực hiện chống rác thải nhựa trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2019-2021, UBND TPHCM đã đề ra các biện pháp rất đồng bộ, chu đáo, khả thi nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi hành vi, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy. Cụ thể như: cùng với việc vận động, giáo dục nhận thức bảo vệ môi trường, có các biện pháp đòn bẩy khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất túi ni lông khó phân hủy chuyển sang sản xuất bao bì thân thiện môi trường; yêu cầu các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng tiện lợi, nhà sách... trên địa bàn sử dụng các bao bì thân thiện môi trường thay thế túi ni lông khó phân hủy; ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích cho việc thực hiện hoạt động thu gom, tái chế các loại chất thải từ nhựa và túi ni lông và các cơ sở sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường thay thế túi ni lông...

Tiếp tục triển khai các biện pháp đòn bẩy như vậy trong phạm vi cả nước mới có thể duy trì phong trào chống rác thải nhựa. Thí dụ tác động để các doanh nghiệp nước ngoài hạn chế đưa các sản phẩm bao bì nhựa vào Việt Nam bằng việc đánh thuế bảo vệ môi trường. Cho vay với lãi suất ưu đãi và giảm thuế đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường thay thế các sản phẩm nhựa khó phân hủy. Đồng thời nên tăng thuế đối với sản phẩm nhựa dùng một lần, từ đó các sản phẩm thân thiện môi trường mới có điều kiện thay thế. Việc phân loại rác tại nguồn để tái chế rác thải nhựa và các phế liệu khó phân hủy khác là rất cần thiết, tuy nhiên do sự bất cập, lỗi thời ở khâu thu gom và tái chế rác nên đến nay vẫn còn vướng mắc. Việc áp dụng công nghệ tiên tiến cho việc thu gom, xử lý, tái chế rác vừa thân thiện môi trường vừa tạo sản phẩm hữu ích là yêu cầu cấp bách, do vậy rất cần sự đầu tư lớn đưa ngành tái chế rác thải nhựa thành mô hình kinh tế tuần hoàn. Đồng thời phải cấm nhập nhựa, ni lông phế liệu từ nước ngoài để tái chế, và chỉ cho phép nhập các loại nhựa có giá trị tái chế cao.

Tin cùng chuyên mục