Chúng tôi đi tìm...chiến hạm France

Chúng tôi đi tìm...chiến hạm France

(Ghi theo lời kể của Đại tá Ngô Long Minh, nguyên tổng giám đốc Xí nghiệp Liên hợp Ba Son)

Năm 1994, Bộ Quốc phòng quyết định tổ chức một đoàn cán bộ sang Pháp sưu tầm tài liệu về Ba Son để có cơ sở cho việc cải tạo lại Ba Son. Thượng tướng Đào Đình Luyện, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng lúc bấy giờ nói với tôi: “Lần này, Ngô Long Minh sang Pháp như Tam Tạng đi thỉnh kinh. Không được xách cặp về không đâu nhé!”. Tôi ý thức được rằng đây là cơ hội để sưu tầm những gì mà lịch sử còn để lại trên đất Pháp về xưởng Ba Son, về Bác Tôn Đức Thắng và đặc biệt là mô hình chiến hạm France lịch sử - nơi mà Bác Tôn Đức Thắng đã kéo lá cờ đỏ ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga, làm nên sự kiện lịch sử trên Hắc Hải năm xưa.

Khách tham quan mô hình chiến hạm France trưng bày tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Ảnh: MAI HƯƠNG
Khách tham quan mô hình chiến hạm France trưng bày tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Ảnh: MAI HƯƠNG

Những ngày ở Pháp, sau nhiều cố gắng, chúng tôi đã lần lượt sưu tầm được nhiều tài liệu quý, trong đó có tài liệu về cái ụ tàu đầu tiên mà từ năm 1862, Pháp đã xây dựng tại bờ sông Sài Gòn - một tài liệu chứng minh Ba Son là cơ sở công nghiệp ra đời đầu tiên ở nước ta, từ đó kéo theo sự ra đời của lớp người vô sản công nghiệp đầu tiên - tầng lớp công nhân thợ thuyền. Mọi người trong đoàn hết sức vui mừng như vừa tìm được của báu. Riêng tôi vẫn trăn trở, đứng ngồi không yên vì dấu vết của chiến hạm France vẫn như bóng chim tăm cá. Anh em trong đoàn bảo tôi: “Pháp là quê hương của chiến hạm France mà tìm tư liệu về nó cứ như mò kim đáy biển!”.

Những ngày cuối cùng của chuyến đi, chúng tôi vẫn không ngừng nỗ lực tìm kiếm. Các bạn Pháp dường như cũng hiểu được nỗi khao khát và ý nghĩa việc làm của chúng tôi nên giúp đỡ rất nhiệt tình. Cuối cùng, chúng tôi gặp được ông M.Foillart - người từng ở trong lực lượng hải quân Pháp. Tuy tuổi đã cao, ông vẫn hết sức nhiệt tình, đưa chúng tôi liên hệ nhiều nơi, nhiều người để thu thập những gì chúng tôi mong muốn. Cảm giác lúc ấy thật khó tả. Đứng giữa Paris, trong khi người ta nhìn thấy những lâu đài tráng lệ nguy nga, lắng nghe tiếng nhạc cổ điển sâu lắng thì trong mắt tôi như đang thấy hình ảnh chiến hạm France phất phới ngọn cờ đỏ, đang nghe tiếng hát của Bác Tôn Đức Thắng và các thủy thủ cất cao: “Chúng tôi không muốn chiến tranh với người Nga, chúng tôi muốn quay về”…

Nhớ lại khi tìm tài liệu để về làm mô hình tàu Amiral Latouche Tréville- con tàu mà Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước - công nhân Ba Son chúng tôi chỉ có được 3 tấm hình chụp mạn trái, 1 tấm hình chụp mạn phải và một vài số liệu. Còn lần này, những gì mà chúng tôi tìm được là những tài liệu thiết kế quan trọng mà nếu thiếu chúng, người Pháp đã không đóng được chiến hạm France.

Khi chúng tôi từ Pháp trở về, không bao lâu, bản vẽ về chiến hạm France đã đến tay công nhân Ba Son với những thông số cụ thể: lượng chiếm nước 23.475 tấn, chiều dài 165m, ngang 27m, mớn nước 9,04m, trang bị 24 nồi hơi chạy 4 turbines 28.000 mã lực với 4 chân vịt, 22 khẩu pháo 138m, 4 khẩu pháo 48mm, 4 ống phóng ngư lôi 450mm, tổng số thủy thủ là 1.115 người. Mọi người bắt tay đóng con tàu thu nhỏ. Chúng tôi cảm nhận đây không còn là công việc chuyên môn kỹ thuật, mà là tình cảm thiêng liêng của đội ngũ công nhân Ba Son đối với Bác Tôn Đức Thắng. Mô hình chiến hạm France được làm thành 2 chiếc: một chiếc đặt tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng  TPHCM và một chiếc được đưa về quê hương Bác Tôn”.

KHẮC MAI

Tin cùng chuyên mục