Chuyển đổi số góp phần xây dựng Thừa Thiên – Huế thành thành phố Trung ương

Không chỉ giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, chuyển đổi số còn là chiến lược tất yếu, giúp doanh nghiệp phát triển, tránh tụt hậu so với các doanh nghiệp toàn cầu. Đó cũng là một trong những mục tiêu của Chương trình hành động thực hiện chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa được UBND tỉnh này ban hành, nhằm tiến tới hoàn chỉnh mô hình chính quyền số đến năm 2025, hình thành xã hội số và phát triển kinh tế số làm động lực phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn tới. Qua đó, góp phần xây dựng Thừa Thiên – Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ chính trị.


 

Lãnh đạo Bộ TT-TT cùng lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện nghi thức công bố dịch vụ Trung tâm Giám sát, điều hành Đô thị thông minh.
Lãnh đạo Bộ TT-TT cùng lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện nghi thức công bố dịch vụ Trung tâm Giám sát, điều hành Đô thị thông minh.

Hiệu quả ngay

 Thời gian qua, với tinh thần phát huy những kết quả đạt được, cùng sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp, các ngành, sự đồng thuận của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc thực hiện công cuộc chuyển đổi số. Ấn tượng là các sở, ngành liên quan đều đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), từng bước chuyển đổi số trên từng lĩnh vực nhằm tạo thuận lợi cho người dân.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở GT-VT tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, chuyên đổi số là chuyển đổi và thay đổi phương thức điều hành, hiện đại hóa quy trình công việc bằng CNTT để giảm bớt các thủ tục, chi phí. Sở ban hành kế hoạch chuyển đổi số về ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành GTVT đến 2025, định hướng đến 2030. Từ đó, hướng đến mục tiêu đầu tư hiện đại hóa ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý, điều hành ngành GTVT phù hợp với xu thế chuyển đổi số của Chính phủ và xây dựng nền kinh tế số; tập trung vào lĩnh vực đường bộ nhằm mục tiêu bảo đảm thông suốt, an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường cho tất cả các phương thức vận tải.

“Đến nay, việc quản lý bến bãi, thi sát hạch lái xe, đăng kiểm phương tiện được đẩy mạnh thông qua hệ thống lắp đặt camera ghi lại hình ảnh để có cơ sở điều hành, quản lý, giám sát. Bên cạnh đó, quản lý hình ảnh từ camera giao thông được Công an tỉnh triển khai, kết nối vào phần mềm Hue-S, qua đó, mỗi năm, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 3.000 trường hợp vi phạm: xử lý trực tiếp và gửi thông báo trên 50% số vụ được phát hiện, góp phần ngăn chặn vi phạm, hạn chế tai nạn giao thông có thể xảy ra”, ông Lê Anh Tuấn cho biết.

Hành trình chuyển đổi số của ngành bảo hiểm xã hội có nhiều biến chuyển, trước đây, cán bộ ngành và đại lý thu thường đến tận địa phương, từng thôn, làng, hộ gia đình để tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, bảo hiểm xã hội tỉnh Thừa Thiên – Huế đã linh hoạt, thích ứng bằng việc tuyên truyền online như mạng xã hội, zalo, hệ thống truyền thanh… Các thủ tục hành chính, hồ sơ, chi trả chế độ hỗ trợ cho người tham gia bảo hiểm cũng được giải quyết qua hình thức số hóa.

Hiện nhiều doanh nghiệp kinh doanh tại Thừa Thiên – Huế quen với việc sử dụng phần mềm khai báo thuế, phần mềm kế toán, chữ ký số… mang lại nhiều tiện ích trong hoạt động.

Ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã chuyển đổi sản xuất kinh doanh theo hướng số hóa để thích ứng với thực tế và nâng cao năng lực cạnh tranh, đứng vững trên thị trường, gia tăng lợi nhuận cũng như cơ hội tiếp cận với khách hàng trong và ngoài nước.

Chuyển đổi số góp phần xây dựng Thừa Thiên – Huế thành thành phố Trung ương ảnh 1 Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh Thừa Thiên - Huế tiếp nhận, phân tích hình ảnh phản ánh từ hiện trường để cảnh báo vi phạm

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu

Sau một thời gian đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, gắn với cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến phát triển đô thị thông minh và cung cấp các dịch vụ tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp, Trung tâm điều hành UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh vận hành có hiệu quả; cơ sở hạ tầng thông tin bước đầu được đầu tư hiện đại; nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được triển khai; việc gửi, nhận văn bản điện tử được liên thông cả 4 cấp hành chính; trên 75% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai từ cấp tỉnh đến cấp xã.

Ngành công nghiệp CNTT Thừa Thiên – Huế cũng có bước phát triển, số lượng doanh nghiệp đăng ký thuộc lĩnh vực này tăng dần qua từng năm, lực lượng lao động trong các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực được đào tạo bài bản, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu xã hội.

Đặc biệt, với mục tiêu xây dựng chính quyền số để tạo môi trường chính quyền thân thiện đã hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy các lĩnh vực, ngành, nghề được chuyển đổi phương thức từ truyền thống sang ứng dụng công nghệ số để giảm chi phí, tăng năng suất lao động, thu hẹp khoảng cách phát triển và phát triển xã hội số dựa trên nền tảng công nghệ, hình thành công dân số và văn hóa số, Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế vừa ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU về Chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế cho biết, nội dung Nghị quyết nhằm đẩy mạnh phát triển chính quyền số, kinh tế số, xây dựng xã hội số để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; kết nối, cung cấp dịch vụ, giải quyết mối quan hệ và thay đổi phương thức sống, làm việc của người dân; góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy đảng, chính quyền, thay đổi lề lối làm việc của cán bộ, công chức. Đây là công cụ đột phá để các ngành, các lĩnh vực phát triển nhanh và bền vững, tiến nhanh đến mục tiêu xây dựng Thừa Thiên- Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

Chuyển đổi số góp phần xây dựng Thừa Thiên – Huế thành thành phố Trung ương ảnh 2 UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ký kết thỏa thuận hợp tác về CNTT-VT với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam

“Chuyển đối số không còn dừng ở lựa chọn mà là bắt buộc mỗi khi nói về quá trình chuyển đổi số với các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp. Chuyển đối số là xu thế tất yếu, tác động mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân. Do đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế thời gian qua đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số, phục vụ tốt hơn các nhu cầu của doanh nghiệp, người dân là mục tiêu mà tỉnh đề ra”, ông Phan Ngọc Thọ chia sẻ.

Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu đề ra, Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh ứng dụng CNTT ở tất cả các ngành, lĩnh vực với nhiều ứng dụng công nghệ mới, thông minh đã được triển khai thành công. Trong đó, tích cực triển khai Chính quyền điện tử, Thành phố thông minh.

Đến nay, Hue-S là ứng dụng duy nhất trên nền tảng di động, được tích hợp toàn diện, ứng dụng được kết nối đồng bộ với Cổng thông tin dịch vụ đô thị thông minh. “Hiện Thừa Thiên – Huế đã đạt được những kết quả nhất định về chuyển đổi số, như xếp vị trí thứ hai về chuyển đổi số cấp tỉnh ở cả 3 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số; đứng thứ 2 về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT… Những nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số vào mọi mặt đời sống KT-XH không chỉ tạo sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư đến với tỉnh mà còn tác động tích cực, lan tỏa đến mỗi người dân nhờ thấy được những lợi ích cụ thể mang lại”, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Thừa Thiên – Huế bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục