Hôm nay, 18-6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Giáo dục đại học (GDĐH). Nếu như không ít chuyên gia giáo dục vẫn lo ngại nhiều điều thì ông Đào Trọng Thi (ảnh), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội lại cho rằng, Luật GDĐH ra đời, đặc biệt là quyền tự chủ ĐH, giống như ngọn cờ đã được trao cho các trường ĐH, quan trọng là “họ có biết phất hay không”.
* Phóng viên: Dự thảo Luật GDĐH khi mới ra đời bị dư luận xã hội “chê tơi tả”. Đến nay, Quốc hội đã về cơ bản đồng tình, ông có thể cho biết vì sao?
* Ông ĐÀO TRỌNG THI: Dự thảo luật ra đời lần 1 sở dĩ bị chê nhiều do các vấn đề quan trọng nhất của GDĐH Việt Nam dù đã được đề cập nhưng chưa hề rõ nét. Đến dự thảo lần 2 thì bắt đầu đưa ra được một số quy định về nguyên tắc những vấn đề lớn như phân tầng ĐH, tự chủ, xã hội hóa, kiểm định chất lượng. Đến dự thảo cuối cùng, Ủy ban Thường vụ QH đã có giải trình và có chỉnh lý (bước chỉnh lý cuối cùng là rất quan trọng) rất công phu. Ủy ban Thường vụ QH đã trực tiếp chỉ đạo các hội nghị trực tuyến ĐBQH chuyên trách để lấy ý kiến, làm việc với các chuyên gia giáo dục, các nhà quản lý. Đặc biệt, đích thân Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đã bố trí tham gia các hội nghị góp ý Luật GDĐH, vì thế dự thảo luật này đã có sự tiến bộ rõ rệt, có sự định hướng rõ ràng cho Ủy ban Thường vụ QH tiếp thu chỉnh lý.
* Ông có cho rằng luật này ra đời sẽ có tác dụng rõ ràng đối với GDĐH Việt Nam trong thời gian tới?
* Đây là điều kiện rất quan trọng, tạo một hành lang pháp lý đủ thông thoáng, đủ chặt chẽ và tạo ra điều kiện hoạt động tương đối năng động cho các cơ sở GDĐH. Nhưng còn 2 vấn đề nữa tương đối quan trọng mà nếu không có thì mọi việc không mang lại hiệu quả gì. Đó là sự vào cuộc thực sự của các trường ĐH. Hành lang có rồi, nhưng nếu họ không đi, không tích cực phát triển thì không đạt được gì. Thứ hai là sự kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Chúng ta tạo quyền tự chủ cho các trường ĐH rất cao, nếu không có hậu kiểm, kiểm tra giám sát đôn đốc thì chắc chắn sẽ xảy ra rất nhiều sai phạm.
Nhưng tôi kỳ vọng các trường ĐH bao lâu nay họ mong muốn được có điều kiện để phát triển, Luật GDĐH chính là điều kiện, là cơ hội để họ phát triển, không lý gì họ lại không nắm lấy thời cơ này. Cờ đã trao đến tay rồi, vấn đề là anh có đủ sức “phất” hay không.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước, trong thời gian gần đây đã thể hiện thái độ nghiêm túc, kỷ cương trong GDĐH được thắt chặt. Nếu Bộ GD-ĐT cứ đẩy mạnh công việc thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm các trường ĐH như thời gian qua thì sẽ hợp thành các yếu tố để chúng ta phát triển GDĐH Việt Nam có hiệu quả và chất lượng trong thời gian tới.
Theo tôi được biết, chính Bộ GD-ĐT nói vừa rồi họ làm được việc siết chặt kỷ cương trong GDĐH là do nhờ vào Nghị quyết của QH sau khi giám sát tối cao về GDĐH. Bây giờ, Luật GDĐH còn mang cho Bộ GD-ĐT nhiều cơ hội hơn, hành lang pháp lý chặt chẽ hơn, tức là việc thanh tra, kiểm tra và xử lý sai phạm các trường còn có điều kiện hơn nhiều để thực hiện tốt. Vì vậy, tôi rất hy vọng luật này ra đời sẽ có tác dụng rõ ràng đối với GDĐH Việt Nam trong thời gian tới.
* Một thực tế hiện nay là hệ thống kiểm định chất lượng GDĐH chưa hoàn thiện, trong khi kết quả kiểm định là cơ sở rất quan trọng để chấn chỉnh các sai phạm?
* Hiện nay các trường cũng đã có hệ thống kiểm định nội bộ của họ. Bộ GD-ĐT cũng có Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục. 2 ĐHQG đã có 2 trung tâm kiểm định với tư cách là đơn vị sự nghiệp công lập nhà trường, rất gần với các đơn vị kiểm định độc lập. Ngoài ra các trường ĐH lớn cũng có trung tâm kiểm định của mình. Trong tương lai, có thể tiến hành kiểm định chéo giữa các trường để nâng cao tính khách quan. Về lâu dài, tôi tin khi xã hội có nhu cầu sẽ có những người đứng ra đầu tư xây dựng các trung tâm kiểm định giáo dục, khi đó sẽ hình thành những tổ chức kiểm định độc lập. Có nhu cầu thì sẽ phát triển rất nhanh, thời gian qua chưa phát triển vì nhu cầu chưa có. Tôi biết một số cán bộ ở Viện Bảo đảm chất lượng giáo dục của ĐHQG Hà Nội đã có ý tưởng tách ra để thành lập Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục. Hiệp hội ĐH-CĐ ngoài công lập cũng đã lên kế hoạch thành lập các trung tâm kiểm định giáo dục. Đó sẽ là những cơ quan kiểm định giáo dục độc lập như ở các nước.
* Một số ý kiến ĐBQH khi thảo luận về luật này có đề nghị phải thành lập một số trung tâm kiểm định giáo dục của nhà nước cấp quốc gia?
* Thời gian đầu có thể phải như vậy. Vì thực tế, ở Việt Nam, GDĐH khu vực công lập vẫn có vai trò lớn, vì GDĐH ngoài công lập vẫn còn yếu, chúng ta chưa thể đặt hết niềm tin vào họ. Cơ chế phát triển GDĐH hiện nay cũng chưa hoàn toàn theo thị trường như ở các nước, vì vậy cần có thời gian để chuyển dần từ cơ chế sử dụng nhiều cơ quan kiểm định của nhà nước sang sử dụng nhiều cơ quan kiểm định độc lập.
PHAN THẢO thực hiện