
Tuần qua, tại cuộc họp về trật tự an toàn giao thông, lãnh đạo TPHCM một lần nữa đặt ra mục tiêu: từ nay đến cuối năm sẽ xử lý dứt điểm tình trạng “xe dù, bến cóc” tại thành phố. Quyết tâm rất đáng hoan nghênh… Thế nhưng, liệu có đạt được?
Đầu tiên phải xác định, như thế nào là “xe dù”? Đã có tình trạng cơ quan này khẳng định có “xe dù” nhưng cơ quan khác lại khẳng định là không. Sự lệch pha này đã ảnh hưởng tiêu cực đến công tác xử lý “xe dù” của TPHCM vì không nhận diện được đúng “xe dù” thì khó xử “đúng người, đúng tội”.

Xe khách Công ty Phương Trang chạy tuyến Bến xe miền Tây - Bến xe Mũi Né dừng trên đường Đề Thám, quận 1 cho khách xuống xe. Ảnh: CAO THĂNG
Theo Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM - khối vận tải có nhiều xe “chạy dù” nhất, cơ bản, “xe dù” là xe hoạt động không đúng các quy định của nhà nước. Khác với “xe dù” của nhiều năm trước, không được cấp phép kinh doanh vận tải, hầu hết các “xe dù” hiện tại đều có giấy phép kinh doanh vận tải nhưng lại không kinh doanh đúng theo các quy định của loại hình vận tải đã đăng ký. Chính vì vậy, nếu chỉ kiểm tra giấy đăng ký kinh doanh của các đơn vị vận tải, sẽ không tìm được “xe dù”. Kinh doanh vận tải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện này khác nhau trong từng loại hình vận tải. Phải xét đến các điều kiện này mới xác minh được “xe dù”. Trong khi xe du lịch, xe hợp đồng được đón khách ở vị trí theo yêu cầu của khách thì xe khách liên tỉnh phải đưa đón khách tại các bến xe khách liên tỉnh đã được cấp phép hoạt động.
Theo một chuyên gia lâu năm trong ngành vận tải, sở dĩ có quy định khác nhau giữa các loại hình vận tải nêu trên là do lượng hành khách của xe khách liên tỉnh thường xuyên và nhiều hơn xe hợp đồng và xe du lịch. Chính vì vậy, mới có quy định xe khách liên tỉnh chỉ được đón khách ở các bến xe nhằm tránh tình trạng xe khách liên tỉnh lưu thông nhiều, ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự an toàn giao thông trong nội đô. Xe du lịch và xe hợp đồng không có lượng khách thường xuyên, đặc biệt điểm đưa đón không cố định, không tạo ảnh hưởng tiêu cực cho giao thông nội đô nên được vào nội đô đón khách. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều xe khách liên tỉnh lại không muốn ra các bến xe đón, đưa khách, bởi thường các bến xe nằm xa trung tâm thành phố. Hơn nữa, cũng có một số hành khách không muốn ra bến xe… Thế là xe khách liên tỉnh giả làm xe du lịch hoặc xe hợp đồng để đón khách trong nội đô. Không quá khó để phát hiện ra sự giả dối này. Cứ đến bất cứ điểm “xe dù” nào, ngành chức năng cũng sẽ thấy ngay… Người bán vé sẽ ghi tên người mua vé, sau đó phát (hoặc thậm chí không phát) cho người mua một tờ giấy ghi số ghế trên xe. Tờ giấy đó sẽ được coi là vé khi hành khách lên xe…, ngược lại sẽ chỉ là tờ giấy vô giá trị, không phải là vé nếu bất chợt có ngành chức năng đến kiểm tra. Người bán vé sẽ ghi tên người mua vé vào hợp đồng thuê xe với tư cách là người thuê. Ngành chức năng truy hỏi, đơn vị vận tải sẽ có đủ bằng chứng để chứng minh: xe đang được hợp đồng thuê.
Thời gian qua, một trong những lý do khiến ngành chức năng khó xử lý “xe dù” bởi có sự nhập nhằng nêu trên. “Xe dù, bến cóc” hoạt động gây mất trật tự an toàn giao thông trong nội đô đã được chứng minh. Những “chiêu trò” cũng đã được các chuyên gia nhận diện. Như vậy, vấn đề còn lại là sự quyết tâm của lực lượng chức năng ở TPHCM. Không thể nhân danh sự tiện lợi của một số hành khách “đón xe gần nhà” mà chấp nhận cho “bến cóc, xe dù” hoạt động công khai trong nội thành. Nói như một lãnh đạo của Hiệp hội Ô tô Việt Nam, tại sao đi máy bay, xe lửa, hành khách còn đến ga, đến sân bay được, còn đi ô tô, lại muốn đón ở nơi tiện cho mình nhất, mà không nghĩ cho lợi ích chung?.
TÂM ĐỨC