Cổ đông ngân hàng thắng lớn!

Thời điểm cận Tết, hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần đều tổ chức đại hội cổ đông thường niên để thông qua báo cáo tài chính, dự án phân phối lợi nhuận cùng các kế hoạch và chương trình trọng yếu trong năm 2006. Năm 2005 được xem là năm “hốt bạc” của khối ngân hàng cổ phần với mức lãi lên đến 1.335 tỷ đồng, cổ đông được chia cổ tức khá cao. ACB là một trong những ngân hàng trả cổ tức cao nhất trong nhóm ngân hàng cổ phần hiện nay.

Dẫn đầu về lợi nhuận trong khối ngân hàng cổ phần, lãi trước thuế cả năm đạt 385 tỷ đồng, ACB đã quyết định chia cổ tức năm 2005 cho cổ đông là 28%. Các ngân hàng như EAB, Saigonbank, Techcombank… có mức cổ tức trên 20%, còn một số ngân hàng khác như SCB, VIB Bank, Phương Đông, Hàng Hải... cũng chia cổ tức từ 12% đến 20%.

Việc ngân hàng được lãi bao nhiêu đem chia hết cho cổ đông bấy nhiêu đã không còn phổ biến. Phần lớn các ngân hàng trích lại một phần lợi nhuận để tăng vốn điều lệ hoặc tái đầu tư, vừa trả cổ tức bằng tiền vừa trả bằng cổ phiếu. Sacombank chỉ chia cho cổ đông 14%, còn lại bổ sung vốn tự có. Chỉ riêng khoản lợi nhuận để lại chưa chia ở Sacombank đã lên đến cả trăm tỷ đồng.

Năm nay OCB có cổ tức 19%, trong đó đã chia 12% bằng tiền mặt, dự kiến số còn lại tích lũy tái đầu tư. Với tỷ lệ cổ tức 28%, ACB chia 16% bằng cổ phiếu và 12% bằng tiền mặt. Trong khi đó, EAB lại có cách chia khác. Trong năm 2005, EAB cũng đã ba lần tăng vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng. Trước mỗi đợt tăng vốn, EAB tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt và cổ đông dùng tiền này để mua cổ phiếu theo đúng mệnh giá…
 
Cổ phiếu ngân hàng đang “sốt” giá. Với việc chia một phần cổ tức bằng cổ phiếu, cổ đông của các ngân hàng đã thắng kép, vừa được chia cổ tức vừa được tăng mệnh giá. Hiện giá cổ phiếu của ACB dao động gấp 4 - 5 lần mệnh giá, cổ phiếu EAB gấp 3 lần mệnh giá. Năm 2005, Eximbank có chênh lệch thu chi trước trích dự phòng rủi ro là 244 tỷ đồng, nhưng phải trích nhiều để bù đắp tổn thất từ những năm trước đọng lại.

Tuy nhiên Eximbank cũng đã bắt đầu chia cổ tức cho cổ đông từ năm 2005. Cổ phiếu của Eximbank được xem là hiện tượng của năm với mức tăng chóng mặt, hiện đã đạt mức 4,1 triệu đồng/cổ phiếu (mệnh giá gốc 1 triệu đồng/cổ phiếu), tăng 300% so với cuối năm 2004. Trong năm 2006, nhiều ngân hàng cho biết sẽ tiến hành chia cổ tức chủ yếu bằng cổ phiếu. Đây cũng là một trong những yếu tố tạo nên tính hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng.

DỊU NGÂN

Tin cùng chuyên mục