Có giơ cao đánh khẽ?

Bộ GD-ĐT công bố kết luận thanh tra về công tác tuyển sinh năm 2012 của 30 trường ĐH-CĐ trên toàn quốc (14 trường ngoài công lập, 16 trường công lập). Kết quả có đến 22 trường vi phạm sẽ bị bộ cắt giảm chỉ tiêu năm 2013 và khiển trách 8 vị hiệu trưởng.

Bộ GD-ĐT công bố kết luận thanh tra về công tác tuyển sinh năm 2012 của 30 trường ĐH-CĐ trên toàn quốc (14 trường ngoài công lập, 16 trường công lập). Kết quả có đến 22 trường vi phạm sẽ bị bộ cắt giảm chỉ tiêu năm 2013 và khiển trách 8 vị hiệu trưởng.

Dư luận bị sốc với kết quả thanh tra vì hàng loạt cơ sở khai man các điều kiện về đội ngũ giảng viên, diện tích sàn xây dựng để kê khống chỉ tiêu tuyển sinh. Đây là những điều kiện tối thiểu mà các cơ sở đào tạo cần phải có để đảm bảo được chất lượng đào tạo cho người học. Tuy nhiên, thực tế khiến dư luận quá bất ngờ.

Trước tiên, về tiêu chí đội ngũ giảng viên có đến 18/30 không đạt. Trong đó, có nhiều trường công lập như Trường ĐH Công nghiệp TPHCM (quy mô đào tạo cả 100.000 sinh viên), Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (hơn 20.000 sinh viên)… Từ khai man và gian dối, dẫn đến việc xác định chỉ tiêu cũng vượt quá năng lực đào tạo. Thậm chí có 5 trường tự xác định chỉ tiêu khi không còn năng lực tuyển sinh như Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Trường ĐH Ngoại ngữ Tin học TPHCM, Trường ĐH Cửu Long, Trường ĐH Bà Rịa Vũng Tàu, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghiệp Quảng Ngãi và có 16 trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh vượt quá năng lực thực tế.

Một thông tin cũng khá chấn động khi GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết: “5 trường không còn năng lực đào tạo nói trên đã liên tục tuyển vượt chỉ tiêu trong nhiều năm liền. Và căn cứ theo quy định hiện hành (tuyển vượt chì tiêu sẽ bị trừ vào chỉ tiêu cho năm sau) thì 5 trường trên có trường bị trừ về con số 0 và thậm chí bị âm chỉ tiêu”. Như vậy, rõ ràng nhiều cơ sở trong nhiều năm liền đã “báo cáo láo” với cơ quan chủ quan để ra sức vơ vét sinh viên dù năng lực đào tạo thấp kém. Chính Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng thừa nhận tình trạng tuyển vượt chỉ tiêu so với năng lực đào tạo là vi phạm đã trở thành phổ biến, tràn lan. Mặt khác, nhiều trường dù năng lực đào tạo chỉ vài trăm nhưng “phù phép” lên đến vài ngàn chỉ tiêu để rồi tuyển sinh không được lại quay sang kêu ca, kiến nghị Bộ GD-ĐT phải có giải pháp này, giải pháp kia… để cứu mình.

Nếu kết luận thanh tra khiến dư luận bất ngờ một thì ở khâu xử phạt Bộ GD-ĐT cũng làm dư luận bất ngờ hai vì ở mức độ nào đó bộ đã khẳng định được cam kết của mình với dư luận đó là “sẽ xử lý nghiêm những đơn vị vi phạm, thanh tra sai phạm tới đâu sẽ xử lý tới đó”. Có thể nói, chưa khi nào Bộ GD-ĐT lại kiên quyết “tuyên chiến” với những sai phạm như lần này. Cụ thể, Bộ GD-ĐT đưa ra hình thức xử lý đối với 8 vị hiệu trưởng bằng mức án “khiển trách”. Trong đó, bộ cũng mạnh dạn kiến nghị với các bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Y tế đồng thời kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố) để giám sát xử lý các đơn vị sai phạm. Động thái này được xem là một bước đột phá của Bộ GD-ĐT trong việc chung tay với các cơ quan chức năng xứ lý rốt ráo những vấn đề sai phạm.

Tuy nhiên, dư luận vẫn còn hoài nghi vì trước giờ Bộ GD-ĐT vẫn thường hay “giơ cao đánh khẽ”. Vì trong nhiều năm liên, năm nào bộ cũng thanh tra, ra văn bản xử lý nhưng rồi… đâu lại cũng vào đó. Và cứ thế, các trường sai phạm năm trước năm sau vẫn tiếp tục phù phép… tăng chỉ tiêu để tuyển sinh.

Ngày 1-1- 2013 Luật Giáo dục ĐH chính thức có hiệu lực, được người dân kỳ vọng cấp quản lý cũng như các cơ sở giáo dục ĐH thực thi đúng tinh thần thượng tôn pháp luật. Dư luận cũng kỳ vọng Bộ GD-ĐT sẽ nói và làm đúng như cam kết: “nói không với những cơ sở không đảm bảo chất lượng”.

THANH MINH

Tin cùng chuyên mục