Tại hội thảo chuyên đề giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ cho cán bộ quản lý và giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn TPHCM do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp cùng Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) tổ chức vừa qua, một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất giữa các nhà quản lý giáo dục là nên hay không nên cố gắng ép trẻ thuận tay trái cầm bút bằng tay phải.
Một giáo viên tiểu học ở quận 3 chia sẻ, do diện tích lớp học chật hẹp, bàn ghế học sinh kê san sát nên nếu một học sinh viết chữ bằng tay trái sẽ rất dễ đụng tay phải cầm bút của bạn ngồi bên cạnh. Đó là chưa kể một số lỗi về viết ngược nét, tay cầm bút đè lên chữ khiến mực bị lem do thói quen cầm viết bằng tay trái để lại. Do đó, vị này chủ trương ngay từ đầu năm lớp 1 cố gắng rèn tất cả học sinh trong lớp cầm bút bằng tay phải. Nếu em nào cầm bút bằng tay trái sẽ dần uốn nắn cho em sửa lại thói quen. Ngược lại, nhiều ý kiến khác bày tỏ không nên cố ép học sinh thuận tay trái cầm bút bằng tay phải vì thực tế đã chứng minh, các em thuận tay trái vẫn cầm bút được bằng tay phải nhưng nét chữ không đều, tốc độ viết chậm hơn so với khi cầm bút bằng tay trái.
Bên cạnh đó, một học sinh khi đã thuận tay trái, có thể dưới sự kiên trì rèn luyện của giáo viên, em này có thể cầm bút bằng tay phải nhưng mọi hoạt động khác trong cuộc sống như bưng bê chén dĩa, cầm đũa gắp thức ăn, lật trang giấy một quyển sách… các em đều thực hiện bằng tay trái. Như vậy việc cố rèn học sinh thuận tay trái viết chữ bằng tay phải chỉ khiến giáo viên mất nhiều thời gian rèn luyện hơn so với các học sinh còn lại. Nhưng về cơ bản vẫn không thể nào làm thay đổi được thói quen cầm nắm vật dụng bằng tay trái của các em.
Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Quang Vinh khẳng định: “Giáo dục thành phố không có chủ trương ép buộc tất cả học sinh thuận tay trái viết chữ bằng tay phải. Đối với các em mới bước vào lớp 1, ngành chỉ động viên, khuyến khích các em cầm bút bằng tay phải. Song, nếu trường hợp em nào có thói quen cầm bút bằng tay trái sẽ được sắp xếp chỗ ngồi thích hợp để không làm ảnh hưởng đến các bạn ngồi bên cạnh”.
Đồng quan điểm, bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, nguyên Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1, giải thích thêm về cơ chế sinh học: “Trẻ thuận tay trái sẽ có bán cầu não phải phát triển hơn bán cầu não trái, tính cách bẩm sinh nghiêng về chất nghệ sĩ. Ngược lại, trẻ thuận tay phải sẽ có bán cầu não trái phát triển hơn bán cầu não phải, thích hợp với các môn học, ngành nghề nghiêng về tư duy quản lý, lãnh đạo. Do đó, thuận tay trái hay phải chỉ khác nhau ở chỗ bán cầu não bên nào vượt trội hơn mà thôi, còn lại không có bất kỳ khác thường nào về mặt sinh học”. Chính vì vậy, không nên ép buộc trẻ thuận tay trái cầm bút bằng tay phải mà nên để trẻ phát triển tự nhiên như những gì chúng vốn có.
Như vậy, câu hỏi có nên ép trẻ thuận tay trái cầm bút bằng tay phải đã tìm ra lời giải. Nhưng trên hết là bài học chung cho tất cả những người làm công tác quản lý giáo dục. “Việc áp đặt tư duy trọng hình thức, làm theo khuôn mẫu có sẵn, không chú ý đến sở thích, quyền lợi của người học chỉ là cách làm thụt lùi của ngành giáo dục”, ông Nguyễn Quang Vinh bày tỏ.
THANH THU