Mặc dù gần 10 tấn thịt bò đông lạnh được nhập khẩu từ Australia về Việt Nam không đảm bảo điều kiện nhập khẩu vì bị nhiễm khuẩn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng nhưng Cơ quan thú y vùng II Hải Phòng và Cục Thú y vẫn cố tình tiếp tay cho doanh nghiệp tuồn hàng vào nội địa.
Tháng 5-2012, Công ty TNHH Thực phẩm cao cấp Hà Nội được Cục Thú y thuộc Bộ NN-PTNT cấp phép nhập khẩu số lượng lớn thịt cừu, thịt bò đông lạnh từ Australia về Việt Nam qua cảng Hải Phòng và một số cửa khẩu khác. Giấy phép nhập khẩu có hạn đến hết tháng 8-2012. Ngày 22-8-2012, doanh nghiệp (DN) này nhập 543 thùng thịt bò, thịt cừu đông lạnh từ nhà sản xuất Midfield Commodities Pty Ltd - Australia về cảng Hải Phòng. Tổng trọng lượng thịt nhập khẩu hơn 11 tấn, trong đó thịt cừu là 1.814kg, thịt bò hơn 9.714kg.
Theo quy định, Cơ quan thú y vùng II Hải Phòng đã lấy mẫu kiểm dịch. Kết quả mẫu xét nghiệm cho thấy sản phẩm thịt bò bị nhiễm vi khuẩn hiếu khí vượt 7,4 lần và nhiễm cliform gấp 2,4 lần cho phép. Cơ quan thú y vùng II đã ra thông báo yêu cầu Công ty Thực phẩm cao cấp Hà Nội làm các thủ tục cần thiết để lấy mẫu tái kiểm tra lần 2. Kết quả mẫu xét nghiệm lần 2 vẫn không đạt, Cơ quan thú y vùng II yêu cầu DN tái xuất lô hàng theo đúng quy định. Do không thể có lần kiểm tra thứ 3 nên không biết do “tư vấn” từ đâu, DN này đã gửi tiếp một văn bản cho Cơ quan thú y vùng II và Cục Thú y “xin” bóc tách thành 8 loại sản phẩm để lấy mẫu kiểm tra lần 3.
Dù biết không có quy định nhưng sau đó Cục Thú y vẫn cho phép Cơ quan thú y vùng II lấy mẫu lần 3 kiểm tra. Và việc thực hiện kiểm tra không có trong quy định lần 3 đã cho ra kết quả… bất ngờ. So với 2 lần kiểm tra trước, toàn bộ số thịt bò cơ quan chức năng kết luận bị nhiễm “bẩn”, không đạt tiêu chuẩn làm thực phẩm cho người thì lần kiểm tra thứ 3 chỉ còn lại 2 sản phẩm (tổng trọng lượng hơn 5,5 tấn) không đạt chuẩn.
Điều tệ hơn là sau lần kiểm tra “ngoài quy định” này, kể cả số thực phẩm “bẩn” (hơn 5,5 tấn) đáng ra phải được xử lý theo quy định, tái xuất về nước xuất khẩu hoặc tiêu hủy, nhưng Cơ quan thú y vùng II lại cho phép chuyển số lượng thịt “bẩn” này sang làm thức ăn chăn nuôi theo đề nghị của DN, tức là cho nhập.
Điều làm dư luận bức xúc là, không hiểu vì lý do gì mà cơ quan thú y, cụ thể ở đây là Cục Thú y và Cơ quan thú y vùng II lại ưu ái cho DN trên như vậy?
Trần Phúc