Cô quạnh

Cô quạnh

Ông đã gần 70 tuổi, bà mất sớm, hai con đều định cư ở nước ngoài. Đứa anh đi du học, đứa em cũng nối gót theo anh, rồi hai anh em cùng lập gia đình ở nước ngoài.

Ở ngoài nhìn vào, ai cũng khen ông giỏi nuôi con, hai đứa con ông đều làm việc ở nước ngoài, tiền gửi về ông xài không hết. Nhưng đến thăm ông mới biết nỗi vất vả của người già cô đơn. Hàng ngày, ông tự đi chợ rồi lui cui nấu ăn. Nhìn vào ngăn bếp, thấy chén, tô, dĩa, đũa và muỗng đều trơ trọi mỗi thứ một cái.
Ông nói: Thỉnh thoảng các con cũng gọi điện về thăm hỏi, nhưng làm sao bằng chúng sống ở đây được. đến ngày lễ, tết, thấy gia đình người ta con cháu sum vầy, đông vui mà chạnh lòng. 

Ông cũng đã từng sang ở với con ở nước ngoài, nhưng không quen lối sống bên đó nên ông về sống âm thầm trong ngôi nhà rộng rãi...

Gần đây, trên các phương tiện truyền thông có nhiều ý kiến tranh luận việc về nước hay ở lại của các du học sinh. Phe muốn ở lại cho rằng, ở lại nước ngoài mới có điều kiện làm việc tốt hơn, phù hợp với trình độ và có điều kiện kinh tế khá hơn, gửi về nước giúp gia đình cũng là góp phần nâng cao thu nhập quốc dân. Phe kêu gọi các du học sinh về nước để đóng góp cho sự phát triển của đất nước… Nói chung phe nào cũng có lý của họ, nhưng ít ai nói đến việc những ông cha, bà mẹ tuổi đã xế chiều sống cô đơn nơi quê nhà. Bậc làm cha mẹ, ai cũng muốn con cái học hành thành tài, thăng tiến trong xã hội, nên con dù đi xa, ở nước ngoài cũng chẳng trách móc gì. Chỉ có những người trong cuộc mới biết rõ mình nên ở lại hay về và hiểu nỗi cô đơn của cha mẹ lúc về già.

Có câu chuyện kể rằng, một ông lão ra tiệm nhờ thợ sửa chiếc điện thoại. Người thợ sau khi kiểm tra bảo rằng: “Điện thoại ông còn tốt, không hư gì cả”. Ông lão cầm điện thoại nói: “Chắc chắn nó hư rồi vì mấy tháng nay tôi không nghe được con trai tôi ở nước ngoài gọi về”. Hóa ra, lâu nay con ông không gọi về nhưng ông cứ khăng khăng do điện thoại hư, chứ không phải con đã quên ông. Chuyện nghe mà đứt cả ruột!

Nguyên An

Tin cùng chuyên mục