
Nội dung quan trọng nhất của đại hội Đảng các cấp sắp diễn ra trong năm 2005 là chọn người đủ tài, đủ đức tham gia cấp ủy mới. Chọn được người lãnh đạo tốt cùng một tập thể mạnh sẽ là chìa khóa dẫn đến thành công trong sự nghiệp phát triển. Vậy nên chọn ai, chọn như thế nào cho đúng, đó là nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên báo SGGP với đồng chí TRẦN VĂN ĐÔNG, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TPHCM.
°Phóng viên: Thưa đồng chí, yêu cầu lớn nhất của đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2005-2010 là gì và cần phải lưu ý vấn đề gì khi chuẩn bị các văn kiện ?
°Đồng chí TRẦN VĂN ĐÔNG: Yêu cầu của đại hội lần này là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu toàn diện của tổ chức Đảng các cấp. Trên cơ sở đó, mở rộng dân chủ, phát huy trí tuệ của cán bộ, đảng viên và nhân dân; nâng cao trách nhiệm, giữ vững kỷ cương, tăng cường đoàn kết, ngăn chặn suy thoái và xây dựng Đảng “trong sạch, vững mạnh”.

Về chuẩn bị báo cáo chính trị, khi nêu lên công việc 5 năm tới, cần nói rõ phương hướng chung, mục tiêu tổng quát, hệ thống các giải pháp và nhất là cần có giải pháp đột phá trên một số lĩnh vực. Để tránh đề ra chung chung như trước đây, nội dung đặt ra phải bảo đảm yêu cầu: cụ thể, có định lượng, thời gian thực hiện và mang tính khả thi.
°Nhưng đấy là yêu cầu đối với những đơn vị trong sạch vững mạnh hoặc đã hết nhiệm kỳ, còn những cấp ủy chưa hết nhiệm kỳ hoặc cấp ủy để xảy ra mất đoàn kết nghiêm trọng, nội bộ phức tạp, thì công tác chuẩn bị đại hội thế nào?
°Nếu các đảng bộ phường-xã còn 1 năm và cấp cơ sở khác còn 6 tháng mới hết nhiệm kỳ thì vẫn tiến hành đại hội bình thường. Còn nơi nào tình hình nội bộ phức tạp, để mất đoàn kết nghiêm trọng thì cấp ủy cấp trên có trách nhiệm chỉ đạo kiểm điểm, xử lý và sau khi kiện toàn, ổn định nội bộ mới cho tiến hành đại hội.
Nếu đến sát đại hội mà vẫn không kiểm điểm, xử lý xong thì chỉ tiến hành đại hội để thảo luận dự thảo văn kiện đại hội cấp trên, bầu đoàn đại biểu đi dự đại hội đảng bộ cấp trên, bổ sung nhiệm vụ của đảng bộ mình theo phương hướng, nhiệm vụ của toàn Đảng và của đại hội đảng bộ cấp trên.
°Nói đến đại hội Đảng là nói đến công tác nhân sự. Chúng ta đã chuẩn bị thế nào cho công tác này, thưa đồng chí?
°Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, số lượng ban chấp hành đảng bộ mỗi cấp có tăng hơn nhiệm kỳ trước: số lượng Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ VIII không quá 59 đồng chí (nhiệm kỳ trước là 49); cấp quận-huyện từ 27-41 đồng chí tùy theo số dân và đảng viên mà có quy định cụ thể cho phù hợp (nhiệm kỳ trước là 25-33).
Về độ tuổi, dự kiến đa số các đồng chí Thành ủy viên có độ tuổi 40-50; còn lại là một số dưới 40 tuổi và trên 50 tuổi. Ở cấp quận-huyện, đa số có độ tuổi 36-45, khoảng 20% dưới 35 tuổi và một tỷ lệ thích hợp các đồng chí 45 tuổi. Đối với cấp ủy phường-xã, Thành ủy TPHCM lưu ý: cố gắng cơ cấu những cán bộ trẻ, cán bộ trong diện quy hoạch dài hạn giữ các chức danh chủ chốt như bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND…
Ở những đảng bộ có đông đảng viên hưu trí, có thể cấu tạo một số cán bộ hưu trí còn sức khỏe, có uy tín tham gia cấp ủy. Đối với cơ sở Đảng thuộc loại hình doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp, tùy theo tình hình cụ thể mà vận dụng phù hợp. Tuy nhiên, để bảo đảm vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng nên cơ cấu trưởng hoặc phó đơn vị làm bí thư.
Ban Thường vụ Thành ủy cũng lưu ý: những đảng viên có nhiều dư luận về đạo đức, lối sống của bản thân, giảm sút uy tín, có biểu hiện tham nhũng, quan liêu, gây mất đoàn kết nội bộ, chạy chức, chạy quyền… thì cho dù họ có tài và còn trẻ, cấp ủy cũng không thể giới thiệu vào ban chấp hành khóa mới.
°Những trường hợp đảng viên là người tốt và có năng lực thực sự nhưng vợ (hoặc chồng), con cái làm trái quy định pháp luật thì có được đưa vào cơ cấu không?
°Thành ủy đã chỉ đạo các cấp ủy: để đánh giá đúng cán bộ toàn diện và đầy đủ thì cần phải lưu ý tới mối quan hệ xã hội hiện nay của cán bộ. Cần nhắc lại rằng, trong các tiêu chuẩn cán bộ cấp ủy mới, Bộ Chính trị nhấn mạnh một số điểm, trong đó lưu ý “bản thân, gia đình (vợ, chồng, con) phải gương mẫu…”.
°Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, cấp ủy viên là nữ không dưới 15%, cấp ủy viên trẻ không dưới 10% trong tổng số cấp ủy viên, nhưng trước khi có chỉ thị này, tháng 8-2004, Thường trực Thành ủy TPHCM đã chỉ đạo: 20% cấp ủy viên nữ và 20% cán bộ trẻ (chủ yếu dưới 35 tuổi). Như vậy, cấp dưới thực hiện theo sự chỉ đạo của trung ương hay thành phố?
°Thực ra, Bộ Chính trị đưa ra mức thấp nhất trên bình diện chung thôi, còn TPHCM, trong những năm qua, Thành ủy TPHCM đã tích cực trẻ hóa đội ngũ cán bộ và từ lâu, tiến hành quy hoạch cán bộ một cách bài bản, khoa học, trong đó đặc biệt chú ý đến cán bộ nữ.
Mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM thông qua kế hoạch về chuẩn bị đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2005-2006, cụ thể là số ủy viên (cấp quận, huyện) là nữ không thấp hơn 20% và cán bộ trẻ khoảng 20%. Đến nay, hầu hết các quận, huyện đã dự kiến xong nhân sự cấp ủy mới.
°Theo đồng chí, giữa cơ cấu và tiêu chuẩn, nếu tiêu chuẩn thiếu “một ít”, nhất là cán bộ trẻ, hoặc nữ “còn nợ” bằng lý luận cao cấp chính trị, Anh văn, vi tính, thì cấp ủy có nên cơ cấu không?
°Giữa tiêu chuẩn và cơ cấu thì chọn tiêu chuẩn là chính, nhưng cũng phải xét đến cơ cấu hợp lý để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện của cấp ủy.
Những trường hợp có yêu cầu cơ cấu nhưng nhân sự chưa đáp ứng về tiêu chuẩn, các cấp ủy cần tính toán điều động, bố trí lại cán bộ cho hợp lý để bảo đảm cơ cấu mà không giảm chất lượng cấp ủy. Tôi muốn lưu ý một việc, nhân sự cấp ủy mới cần có khả năng nắm bắt thực tiễn, tham gia tốt vào sự lãnh đạo chung của tập thể chứ không đơn thuần chạy theo học vị một cách hình thức.
TUẤN SƠN