Con đường tốt nhất để khép lại quá khứ

Cuối tháng 3-2019, lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Việt Nam phối hợp với các bên liên quan tổ chức hai hội thảo quốc tế về khắc phục hậu quả chiến tranh ở nước ngoài và đều tại Hoa Kỳ. Hội thảo diễn ra ở trụ sở Liên hiệp quốc (TP New York) là “Việt Nam: Khắc phục hậu quả chiến tranh, nỗ lực vì hòa bình và phát triển bền vững”; hội thảo còn lại diễn ra ở Washington D.C là “Khắc phục hậu quả chiến tranh: Chặng đường hòa giải và hợp tác tương lai giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”.

Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm nhưng những di chứng đối với người dân và đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam, chỉ tính trên khía cạnh vật liệu nổ, bom mìn, tồn lưu chất độc hóa học/dioxin tại Việt Nam vẫn còn hết sức nặng nề, để lại những hậu quả nghiêm trọng. Việc xử lý những hậu quả này luôn được Chính phủ và nhân dân Việt Nam hết sức quan tâm. Phát biểu với các lãnh đạo cấp cao Liên hiệp quốc và Hoa Kỳ ở cả hai hội thảo trên, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho rằng, nhìn lại chặng đường hơn 30 năm hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, cả hai phía Việt Nam và Mỹ có thể tự hào về những gì đã đạt được.

Nhiều gia đình ở Hoa Kỳ đã đón nhận hài cốt con em mất tích trở về nhà sau nhiều năm không có tin tức; 40ha “đất vàng” ở khu vực sân bay Đà Nẵng đã được tẩy sạch ô nhiễm chất độc để trao trả lại thành phố Đà Nẵng sử dụng cho các dự án kinh tế, xã hội. Dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa - một trong những “điểm nóng” nhiễm chất dioxin tại Việt Nam đã được khởi động với sự hợp tác, tài trợ của Hoa Kỳ. Đây được coi là một trong những dự án xử lý môi trường lớn nhất thế giới.

Kể từ năm 1973 đến nay, trải qua 46 năm hoạt động nhân đạo, tìm kiếm người nước ngoài mất tích trong chiến tranh Việt Nam (MIA), Việt Nam và Hoa Kỳ đã tổ chức triển khai tổng số 4.000 lượt điều tra hỗn hợp trên các địa bàn (trong đó có gần 60 lượt điều tra dưới nước), khai quật hỗn hợp hơn 700 hiện trường/vụ. Hai bên đã tổ chức 128 cuộc giám định pháp y hỗn hợp Việt Nam - Hoa Kỳ và 146 đợt hồi hương hài cốt cho phía Hoa Kỳ; tổng số gần 1.000 hòm hài cốt đã được trao trả và phía Mỹ đã nhận dạng được hơn 800 trường hợp… Có thể khẳng định, hợp tác trong lĩnh vực MIA là điểm sáng, là một trong những động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước. Đây là nội dung hợp tác mang tính nhân đạo và là động lực cho những lĩnh vực hợp tác khác trong tương lai, góp phần vào việc xây dựng lòng tin giữa hai quốc gia. Phía Hoa Kỳ trân trọng sự giúp đỡ của Việt Nam về việc tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Cả hai phía đều khẳng định, khắc phục hậu quả chiến tranh luôn là nền tảng quan trọng trong tiến trình phát triển quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, khắc phục hậu quả chiến tranh là con đường tốt nhất để khép lại quá khứ trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Hay nói cách khác, phải biến những khó khăn, trắc trở trong quá khứ giữa hai nước thành những điều tốt đẹp trong tương lai thông qua khắc phục hậu quả chiến tranh. Chính những cựu chiến binh của cả hai phía là những người tham gia vào quá trình này. Người dân Việt Nam cũng biết rằng, Chính phủ đã có những nỗ lực to lớn nhằm làm giảm nhẹ những hậu quả chiến tranh và về sự tham gia, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ, vào quá trình đầy khó khăn này.

Với những cuộc chiến tranh diễn ra liên miên trong nhiều thập kỷ, đến nay Việt Nam vẫn là một trong số những quốc gia phải gánh chịu hậu quả chiến tranh nặng nề nhất trên thế giới. Tuy nhiên, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cũng là một biểu tượng toàn cầu cho những nỗ lực không mệt mỏi trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh. Đặc biệt là với sự giúp đỡ của Liên hiệp quốc và nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả những quốc gia trước đây từng tham gia chiến tranh Việt Nam. Công việc khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam giờ đây không chỉ mang ý nghĩa nhân đạo mà còn mang ý nghĩa phát triển, khoa học công nghệ, môi trường... Việt Nam luôn coi hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh không chỉ là nhằm giảm bớt những tác hại do chiến tranh để lại, mà còn là nhằm thực hiện thành công các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc, cũng như cơ hội để hợp tác phát triển mọi mặt với tất cả những quốc gia khác. Khắc phục hậu quả chiến tranh không chỉ để khép lại quá khứ mà còn mở ra một cánh cửa cho tương lai hợp tác quốc tế, kể cả các nước trước đây từng tham gia chiến tranh Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục