"Con rồng, cháu tiên” khi thế giới phẳng

"Con rồng, cháu tiên” đó là câu nói đầy tính hình tượng về dân tộc Việt Nam mà từ ngàn đời nay bao thế hệ người dân Việt nhắc đi nhắc lại với các lớp cháu, con.

Thế nhưng, đến thời hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay, câu nói hình tượng này lại đang biến đổi theo hướng đầy bất ngờ. Tại một diễn đàn về sách, có một em thiếu nhi đã đặt câu hỏi: “Chúng ta là con rồng, cháu tiên thì phải biết phun lửa và có tai nhọn chứ nhỉ?”.Tất nhiên, đây chỉ là một câu nói đùa, có điều đằng sau nó là cả một vấn đề không thể xem nhẹ. “Rồng” trong khái niệm của văn hóa Việt là đại diện cho một loài linh thú cao cấp, có trí tuệ, có đẳng cấp cao đến nỗi nó trở thành biểu tượng của vương triều thời phong kiến, còn “Tiên” là tiêu biểu cho những gì cao quý và nhân hậu.

Thế nhưng, dưới con mắt của trẻ em Việt Nam hiện nay, rồng là một con vật ngờ nghệch và hung bạo, đại khái giống như con khủng long. Còn tiên chỉ là một “chủng tộc” thanh nhã nhưng nhút nhát và an phận.

Sẽ có người ngạc nhiên: Ở đâu ra các con rồng, vị tiên như thế trong văn hóa Việt. Câu trả lời cực kỳ đơn giản: Đó không phải là văn hóa Việt. Đó là văn hóa phương Tây, là từ những câu truyện cổ Bắc Âu, mà hàng đêm các bà mẹ châu Âu kể cho những đứa con nghe khi chúng còn nhỏ. Đó chưa bao giờ là những câu truyện mà các bà mẹ Việt kể cho những đứa con thơ của mình.Có điều, hiện nay những câu truyện cổ tích của một nền văn hóa xa lạ tới từ phương Tây đang dần dần thay thế những câu truyện cổ tích của Việt Nam. Sự thay thế này diễn ra trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sách.

Dịp hè 2008 đã cận kề, thử nhìn vào danh mục những đầu sách dành cho thiếu nhi được chăm chút nhất, quảng bá rộng rãi nhất, dù từ các NXB chuyên dành cho thiếu nhi lớn nhất nước như NXB Trẻ hay NXB Kim Đồng thì đó đều là những tựa sách dịch. Trong khi đó, văn học thiếu nhi trong nước có gì? Dù NXB Kim Đồng và NXB Trẻ luôn đưa ra những tựa sách thiếu nhi của các nhà văn trong nước nhưng các tựa sách đa phần có nội dung quá cũ, hoặc không hấp dẫn bạn đọc nhỏ tuổi. Kết quả là các sách văn học dịch cho thiếu nhi nghiễm nhiên chiến thắng ngay trên “sân khách”. Do vậy, không có gì lạ khi trẻ em Việt ngày nay thuộc vanh vách tên các vị thần châu Âu, nhưng lại không biết gốc gác câu truyện Lạc Long Quân - Âu Cơ...

Lỗi tại ai? Thực ra câu hỏi này đã được đặt ra rất nhiều lần qua nhiều cuộc hội thảo về sáng tác văn học cho thiếu nhi. Và cũng rất nhiều lần như vậy nó không có câu trả lời. Ai cũng có lý, nhà văn thì kêu không được hỗ trợ xuất bản, quảng bá, NXB thì chê sách kém hút khách, phát hành không mặn mà...

Tường Vy

Tin cùng chuyên mục