Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Cù Thị Hậu:

Công đoàn sẽ “3 cùng” để bảo vệ quyền lợi người lao động

Công đoàn sẽ “3 cùng” để bảo vệ quyền lợi người lao động

Những cuộc đình công tại TPHCM vừa qua tất nhiên xuất phát từ những bức xúc của người lao động (NLĐ) vì doanh nghiệp chưa bảo đảm đầy đủ quyền lợi của họ. Tuy nhiên, phải thấy rất rõ là vai trò của các cấp công đoàn cơ sở đã không được phát huy. Tại buổi trao đổi với báo chí ngày 7-1, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Cù Thị Hậu đã khẳng định điều này.

Công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện nay rất yếu kém. Đây chính là một trong nhiều nguyên nhân khiến xảy ra hàng loạt vụ đình công trái phép xảy ra trong 2 tuần qua tại TPHCM, chứ không hoàn toàn là do vấn đề tiền lương tối thiểu chưa được tăng.

Công đoàn sẽ “3 cùng” để bảo vệ quyền lợi người lao động ảnh 1

Công nhân Công ty TNHH KOLLAN đình công sáng 29-12.

Hiện nay, vai trò của công đoàn cơ sở rất mờ nhạt, không lãnh đạo được các cuộc đình công đi theo đúng trình tự của Bộ luật Lao động. Lý do là chủ tịch công đoàn cơ sở cũng là làm thuê, ăn lương của chủ doanh nghiệp, đứng ra lãnh đạo đình công dễ bị chủ sa thải, mất việc làm. Vì vậy rất khó để họ phát huy hết vai trò của mình.

- Tổng LĐLĐ Việt Nam có lường trước việc đình công không chỉ diễn ra ở trong doanh nghiệp FDI mà có thể sẽ diễn ra ở khối doanh nghiệp nhà nước hay khối dân doanh?

- Trong nền kinh tế thị trường, đình công là chuyện bình thường. Hiện đã xảy ra đình công trong doanh nghiệp nhà nước, chứ không chỉ ở khu vực FDI. Ở khu vực nào cũng vậy, nếu doanh nghiệp chăm lo tốt quyền và lợi ích của NLĐ, chế độ tiền lương hợp lý thì sẽ hạn chế đình công, còn ngược lại, sẽ không bao giờ xóa bỏ được đình công, vì đó là quyền lợi của NLĐ.

Tôi khẳng định, đình công vừa qua không phải chỉ do chưa nâng lương tối thiểu, mà còn nhiều nguyên nhân như: điều kiện làm việc của người lao động quá tệ, doanh nghiệp không trả lương làm thêm giờ... Vì thế, kể cả khi đã có nghị định của Chính phủ về tiền lương thì cũng chỉ góp phần làm giảm đình công, chứ không thể khống chế hoàn toàn.

- Ở nhiều cuộc đình công vừa qua, một bộ phận lao động quá khích đã phá phách cơ sở vật chất của doanh nghiệp. Quan điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc này?

- Không phải tất cả NLĐ tham gia đình công ủng hộ hành động này. Họ chỉ muốn được cải thiện điều kiện làm việc, trả lương đúng luật pháp. Nhưng rất đáng tiếc có một số ít NLĐ đã quá manh động, có hành động phá phách, thậm chí lấy tài sản của doanh nghiệp. Hành động đó cần được phát hiện và nghiêm trị.

- Với NLĐ tham gia các cuộc đình công vừa qua, Công đoàn sẽ làm gì để bảo vệ quyền lợi của họ?

- Các cấp công đoàn sẽ xuống tận nơi để giải thích cho NLĐ về vấn đề tiền lương. Cũng vì Nghị định có hiệu lực từ 1-2-2006 (đã qua Tết), vì vậy trong suốt tháng 1 này, Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ đạo công đoàn các cấp phải xuống cơ sở, “ba cùng” NLĐ để giám sát việc bảo đảm quyền lợi NLĐ của doanh nghiệp, bảo đảm bình ổn môi trường lao động trong dịp Tết.

- Xin cảm ơn bà!  

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục