Hàng ngàn lượt khách tham quan đã dừng chân trước những mẫu xe thế hệ mới nhất của các nhà sản xuất xe lừng danh thế giới trong Triển lãm quốc tế lần thứ 8 về phương tiện giao thông và công nghiệp phụ trợ (Vietnam Autoexpo) 2011 đang diễn ra tại Hà Nội. Sự quan tâm đặc biệt của người tiêu dùng Việt Nam (VN) với các mẫu xe hạng sang nhập khẩu một lần nữa đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà sản xuất ô tô trong nước câu hỏi: “Vị thế và cơ hội của ngành công nghiệp ô tô VN đang ở đâu?”.
Nếu nhìn từ góc độ thị trường, với hàng rào thuế quan đánh vào ô tô nhập khẩu, hiện người tiêu dùng VN đang phải trả tiền gấp 3 lần người tiêu dùng các nước khác để mua một xe cùng loại ở nước ngoài. Với loại xe lắp ráp trong nước, các liên doanh vài năm mới cho ra đời một mẫu xe mới để khai thác tối đa lợi nhuận của mỗi mẫu xe. Bên cạnh đó, sự thao túng giá cả của các nhà sản xuất đã dẫn đến nhiều tình huống bi hài trên thị trường.
Vào những lúc khan hàng, người bán lại ở ngôi vị “thượng đế” còn người mua “bị hành” khi phải đăng ký trước nhiều tháng và trả thêm tiền mới được nhận xe. Điều rất lạ là, mặc dù vậy, nhu cầu xe, giá xe trong nước vẫn không ngừng tăng lên, nhất là với các loại xe du lịch nhập khẩu. Thống kê mới nhất của Bộ Công thương cho thấy, trong những tháng đầu năm 2011, ô tô vẫn là một trong số các mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch tăng mạnh nhất: 88% so với cùng kỳ 2010.
Cũng theo dự báo của Bộ Công thương, nhu cầu thị trường ô tô, đặc biệt là xe du lịch sẽ bùng nổ với ít nhất 300.000 xe/năm trong giai đoạn 2012-2015 và nếu ngành công nghiệp ô tô VN không phát triển, mức thâm hụt thương mại (đối với xe du lịch) sẽ lên tới hàng chục tỷ USD/năm.
Là đất nước có trên 80 triệu dân và đang nỗ lực tăng tốc phát triển, chúng ta có thể hy vọng vào một tương lai tươi sáng của ngành công nghiệp ô tô VN. Nhưng thực tế cho thấy, phát triển ngành công nghiệp này như thế nào vẫn là một bài toán chưa lời giải. Thử nhìn lại, sau 20 năm tập trung ưu tiên phát triển với những tham vọng lớn, kết quả đạt được của ngành công nghiệp ô tô VN đến nay vẫn chỉ dừng ở mức lắp ráp. Tỷ lệ nội địa hóa của tất cả doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đến năm 2010 đều không đạt mục tiêu đề ra.
Cụ thể, dòng xe con dưới 9 chỗ, tỷ lệ nội địa hóa dưới 15% trong khi quy hoạch đề ra 50%; tỷ lệ nội địa hóa ở xe khách trên 10 chỗ, xe tải, xe chuyên dùng đạt 30% - 40%, trong khi theo quy hoạch là 60%. Trong khi đó, năm 2018, thời điểm thuế suất nhập khẩu ô tô bằng 0% theo cam kết của tiến trình tự do hóa thương mại ASEAN/AFTA đã cận kề. Nếu không tận dụng những cơ hội trong giai đoạn nước rút, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam rất có thể đứng ngoài “cuộc chơi”.
Vì thế, Hội thảo “Công nghiệp ô tô Việt Nam - định vị từ thị trường” do Bộ Công thương chủ trì trong khuôn khổ Vietnam Autoexpo 2011, đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia về việc làm thế nào để vực dậy ngành công nghiệp ô tô VN. Ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính, cho rằng, chính sách thuế đã có hơn 10 năm ủng hộ công nghiệp ô tô, đến nay chúng ta có được gì…?
Tuy nhiên, nói một cách công bằng, thuế và các chính sách vĩ mô có thể tác động mạnh nhưng không phải là động lực chính để phát triển ngành công nghiệp quan trọng này.
Vậy, ngành công nghiệp ô tô VN đang cần gì?
Trả lời câu hỏi này, nhiều chuyên gia đã đồng tình với ý kiến của ông Dư Quốc Thịnh, Tổng thư ký Hội Kỹ sư ô tô VN, khi cho rằng, vấn đề cốt lõi là chúng ta vẫn đang thiếu một ngành cơ khí chế tạo đủ mạnh để làm động lực cho phát triển công nghiệp ô tô. Nếu không làm được điều này chúng ta không có khả năng thực hiện chương trình nội địa hóa, đảm bảo phát triển bền vững ngành công nghiệp ô tô, lúc đó không những không có khả năng cạnh tranh trong khu vực mà VN mãi chỉ lắp ráp ô tô.
Bích Quyên