Công tác giám sát và phản biện xã hội: Còn nhiều vấn đề cần làm rõ

Trung tâm Tư vấn sức khỏe và phát triển cộng đồng (Trung tâm CHD) phối hợp cùng Quỹ hỗ trợ sự tham gia của người dân và trách nhiệm giải trình (PARAFF) trực thuộc Văn phòng Quốc hội vừa tiến hành nghiên cứu thực trạng giám sát và phản biện xã hội tại TPHCM, nhằm góp phần sửa đổi, bổ sung cho dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc (sửa đổi). Một số số liệu nghiên cứu cho thấy bản thân hoạt động này của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) vẫn còn nhiều vấn đề cần thảo luận.
Công tác giám sát và phản biện xã hội: Còn nhiều vấn đề cần làm rõ

Trung tâm Tư vấn sức khỏe và phát triển cộng đồng (Trung tâm CHD) phối hợp cùng Quỹ hỗ trợ sự tham gia của người dân và trách nhiệm giải trình (PARAFF) trực thuộc Văn phòng Quốc hội vừa tiến hành nghiên cứu thực trạng giám sát và phản biện xã hội tại TPHCM, nhằm góp phần sửa đổi, bổ sung cho dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc (sửa đổi). Một số số liệu nghiên cứu cho thấy bản thân hoạt động này của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) vẫn còn nhiều vấn đề cần thảo luận.

Cần chống dột mới tìm Mặt trận?

Trong thảo luận nhóm, khi hỏi về vai trò của MTTQ, người trả lời cho biết, khi cần hỗ trợ sửa chữa nhà, chống dột thì mới tìm đến MTTQ. Thậm chí, cán bộ đoàn thể cũng thừa nhận “Nói đến Mặt trận, người ta biết đó là đơn vị chăm lo cho người nghèo”. Vai trò của MTTQ nhiều khi bị lẫn với Hội Chữ thập đỏ hoặc một tổ chức chăm lo đời sống người dân của nhà nước.

Số liệu nghiên cứu cho thấy 42,7% số người trả lời đồng ý rằng vai trò của MTTQ là “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân”. Liên quan đến chức năng giám sát và phản biện xã hội, 28,8% cho biết MTTQ có vai trò “tuyên truyền, phát huy quyền làm chủ, quyền giám sát và phản biện xã hội của người dân”.

Đoàn lãnh đạo TPHCM kiểm tra công tác tiếp nhận người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định tại các cơ sở xã hội. Ảnh: Đường Loan

Điều đáng nói là chức năng giám sát không phải mới được ban hành từ Quyết định 217 của Bộ Chính trị mà từ năm 2006 đã được biết đến với Nghị quyết liên tịch số 05 (ngày 21-4-2006) của Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, giao chức năng giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư cho MTTQ. Qua 9 năm triển khai nghị quyết tại địa phương, chỉ có 60,8% người dân được hỏi từng nghe về từ “giám sát”, trong đó chỉ có 9,6% hiểu đầy đủ về hoạt động này. Thậm chí, có người dân còn hiểu giám sát là theo dõi tội phạm, là công việc của công an. Ở nhóm cán bộ, kết quả khả quan hơn khi 65% cán bộ xác định được đối tượng của giám sát; 85,7% biết Luật MTTQ ban hành năm 1999 và 78,6% có tham gia các lớp tập huấn về giám sát. Trong khi tỷ lệ người dân không tham gia các buổi học hoặc tập huấn về hoạt động giám sát lên đến 82,8% và 74,3% không biết đến Luật MTTQ Việt Nam ban hành năm 1999.

Công tác giám sát còn nhiều hạn chế

Các ý kiến trao đổi khi thảo luận đều cho rằng hiệu quả hoạt động giám sát của MTTQ phụ thuộc nhiều nhất vào yếu tố nhân sự. Theo đó, người cán bộ MTTQ phải dám nói và dám làm. Câu trả lời này xuất hiện liên tục khi người trả lời liên hệ những yêu cầu mới trong công tác giám sát và phản biện xã hội với vị trí của người cán bộ MTTQ. Giám sát theo dự thảo luật là những hoạt động “theo dõi, xem xét, đánh giá, kiến nghị đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật”. Có thể thấy, nhóm đối tượng của giám sát là những người đang được giao nắm giữ quyền lực nhà nước, do đó, sự lo ngại về vai trò của người đứng đầu tổ chức MTTQ là có cơ sở.

Ngoài ra, bàn về công tác giám sát, khó khăn lớn nhất được đề cập chính là “thiếu chuyên môn trong lĩnh vực giám sát” (tỷ lệ tương ứng 43,9% ở nhóm người dân và 52,3% trong nhóm cán bộ). Khi đối tượng và phạm vi giám sát theo quy định quá rộng thì bản thân chủ thể giám sát cũng gặp nhiều khó khăn… Một khía cạnh khác được nhắc đến trong nghiên cứu này chính là hạn chế trong thẩm quyền thực hiện giám sát của MTTQ. Điều 28 trong dự thảo Luật MTTQ (sửa đổi) quy định 8 hoạt động thuộc quyền và trách nhiệm của UBMTTQ khi thực hiện giám sát, trong đó nhấn mạnh yếu tố phối hợp của MTTQ cùng cơ quan khác trước, trong và sau giám sát. Vì vậy, vai trò của MTTQ tại địa phương trở thành một đơn vị trung gian tiếp nhận các kiến nghị của người dân. 41% cán bộ thừa nhận khi nhận được đơn thư, MTTQ sẽ chuyển cho cơ quan khác giải quyết.

Cái khó của cán bộ MTTQ còn chịu ảnh hưởng bởi quy định về phân công, phân cấp hiện nay. Đối với người dân tại địa bàn, những vấn đề xảy ra trên địa bàn đương nhiên thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, nhưng theo phân cấp, phải do chính quyền cấp huyện - quận, thành phố giải quyết. Vì thế, những kiến nghị của người dân, dù được tiếp nhận, được chuyển đi, nhưng không có trả lời thỏa đáng. Đây là một nguyên nhân khiến người dân không mặn mà với hoạt động giám sát tại địa phương…

Giám sát và phản biện xã hội là hoạt động đặc thù của MTTQ kể từ Hiến pháp 2013. Dư luận kỳ vọng với chức năng này, MTTQ trở thành một kênh điều chỉnh các hành vi của cơ quan chính quyền và đội ngũ cán bộ công chức, đảng viên, cán bộ dân cử. Tuy nhiên, những hạn chế về luật định khiến cho MTTQ tại địa phương chưa phát huy được vai trò của mình.

Vì vậy, dự thảo Luật MTTQ (sửa đổi) được đặt lên bàn nghị sự của các đại biểu Quốc hội trong kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra, có lẽ cần thêm nhiều cân nhắc của những đại biểu dân cử.

THỦY NGÂN

Tin cùng chuyên mục