Theo thông báo của Tổng cục TDTT, tham dự ASIAD tại Hàn Quốc năm nay, ngoài 17 môn chính, Việt Nam dự kiến sẽ đưa thêm 5 môn khác thuộc nhóm xã hội hóa hoặc được xã hội quan tâm gồm: bóng đá, bóng bàn, quần vợt, golf và bóng chuyền tham dự. Tuy nhiên, các đội tuyển này sẽ phải tự túc kinh phí, chứ không có sự hỗ trợ ngân sách như trước đây. Kết quả là bóng bàn, bóng chuyền và có thể quần vợt sẽ không sang Hàn Quốc được do không có tiền.
Không thể nói khác, đây là bước thụt lùi rất lớn của thể thao chuyên nghiệp Việt Nam vì 3 môn thể thao kể trên được xã hội hóa sớm hơn cả bóng đá. Từ những năm 1990, giải bóng bàn Cây vợt vàng đã được thế giới công nhận chính thức hoặc ở môn bóng chuyền, năm 1995, các CLB đã đi đánh tour vòng quanh Việt Nam để lĩnh tiền thưởng. Còn riêng quần vợt, từ trước đến nay vẫn được xem là môn chơi của giới chuyên nghiệp.
Thể thao chuyên nghiệp là sự phát triển có tính chất bắt buộc đối với các quốc gia có nền kinh tế thị trường. Tưởng chừng khi Luật Thể dục thể thao sửa đổi năm 2006, thể thao chuyên nghiệp sẽ có cơ hội phát triển mạnh hơn khi luật quy định rõ là các CLB được khuyến khích và hưởng nhiều ưu đãi trong kinh doanh cũng như cơ sở vật chất của Nhà nước. Thế nhưng, không biết các liên đoàn thể thao làm ăn ra sao mà lại không có đủ tiền để đưa đội tuyển đi dự ASIAD!
Thực tế buồn ấy đã diễn ra nhiều năm qua mà không có giải pháp hiệu quả nào từ các liên đoàn. Xu hướng quay trở lại “sống bám” vào ngân sách nhà nước lại trỗi dậy, nhất là ở môn bóng bàn dù việc đầu tư, quảng bá, đào tạo môn này không quá tốn kém, thể chất người Việt Nam lại phù hợp. Từ chỗ có đến gần chục CLB bóng bàn thuộc các doanh nghiệp, đến nay có lẽ chỉ còn Hà Nội T&T là doanh nghiệp tư nhân đầu tư cho bóng bàn chuyên nghiệp.
Nếu ở môn bóng đá, khó khăn kinh tế đã khiến nhiều CLB biến mất sau khi doanh nghiệp ngừng đầu tư thì ở nhiều môn thể thao khác, tình hình còn khó khăn hơn. Mô hình thành công nhất hiện nay thuộc về Tập đoàn T&T và Becamex Bình Dương. Ngoài các đội bóng đá đã nổi tiếng từ lâu, hiện họ còn đầu tư cho bóng bàn, quần vợt, cầu lông, xe đạp. Đây là cách thức phát triển thể thao chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn chung của thế giới, qua đó hình thành những CLB thể thao đa môn cùng chung một màu áo, tạo điều kiện quảng bá thương hiệu rộng rãi hơn và cũng tiết kiệm hơn cho ngân sách đầu tư so với việc chỉ dành riêng cho bóng đá. Rất tiếc là mô hình này không được nhân rộng.
Nền tảng của thể thao chuyên nghiệp bắt đầu từ các CLB. Cơ quan quản lý nhà nước và các liên đoàn thể thao phải tìm mọi cách giúp đỡ các CLB phát triển chiều sâu lẫn số lượng những môn đầu tư. Ngoài các ưu đãi của Luật Thể dục thể thao, chính những nhà quản lý phải tìm cách giúp các CLB những thủ tục để họ có doanh thu trong kinh doanh, hỗ trợ họ nguồn lực HLV và VĐV, tổ chức giúp họ những giải đấu quốc tế để nâng cao thành tích. Đầu tư một CLB chuyên nghiệp cũng là hình thức kinh doanh, nhưng nếu môi trường không thuận lợi, chẳng mấy ai dám làm. Ví dụ như tại CLB Bình Dương, họ được địa phương tạo điều kiện khai thác quảng cáo suốt tuyến quốc lộ 13 để lấy tiền nuôi đội bóng đá, trong khi đó Liên đoàn Quần vợt Việt Nam thì lại tìm cách gây khó dễ đối với trường hợp của VĐV Lý Hoàng Nam do không thống nhất về chủ trương đầu tư. Hoặc như CLB Hà Nội T&T đầu tư cho đội bóng bàn nhưng suốt năm chỉ thi đấu 1 - 2 giải, rất lãng phí.
Không thiếu nguồn lực xã hội sẵn sàng đầu tư cho thể thao chuyên nghiệp, cái thiếu lớn nhất vẫn là một cú hích thực chất từ chính những nhà quản lý trong hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp. Lấy ví dụ: tại sao môn golf ít phổ biến tại Việt Nam nhưng lại phát triển tốt? Đơn giản vì môn chơi này hoàn toàn không phụ thuộc gì vào các cơ quan quản lý.
VIỆT QUANG