Cục Di sản Văn hóa lên tiếng về việc quần thể danh thắng Tam Chúc được xếp hạng di tích quốc gia

“Bộ VH-TT-DL chỉ công nhận quần thể danh lam thắng cảnh Tam Chúc, không xếp hạng di tích lịch sử hay di tích kiến trúc nghệ thuật. Mặc dù trong quần thể danh thắng này có những công trình quy mô lớn, mới xây dựng cũng nằm trong quần thể này…”, lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa chia sẻ.

Liên quan tới việc quần thể danh thắng Tam Chúc là 1 trong 12 di tích được Bộ VH-TT-DL công nhận là di tích quốc gia, ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa khẳng định, quần thể danh thắng Tam Chúc đáp ứng đủ tiêu chí xếp hạng di tích quốc gia sau quá trình thẩm định thận trọng, khoa học. Quần thể này thuộc loại hình danh lam thắng cảnh.

Theo ông Trần Đình Thành, trong quy định của Luật Di sản Văn hóa, tiêu chí xếp hạng loại hình danh lam thắng cảnh là khu vực cảnh quan thiên nhiên đẹp, hoặc khu vực thiên nhiên có giá trị khoa học về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc thù. Quần thể danh thắng Tam Chúc nằm trên địa phận thị trấn Ba Sao và xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, vùng lõi bảo vệ gồm 2 khu vực với tổng diện tích hơn 2.100ha. Ngoài giá trị về cảnh quan, thiên nhiên, với núi đá vôi, rừng tự nhiên… nơi đây còn có quần thể 100 voọc mông trắng quý hiếm, các loài cá, chim sâm cầm, cò, vạc… Tam Chúc là nơi cư trú của người Việt cổ cách nay 10.000 đến 30.000 năm.

Theo bản đồ của quần thể danh thắng này, toàn bộ khu vực chùa Tam Chúc mới xây dựng, khu du lịch sinh thái Tam Chúc nằm trọn trong vùng lõi cần bảo vệ của danh thắng. Tuy nhiên, ông Thành khẳng định, công trình chùa xây dựng mới không được coi là yếu tố gốc, không phải là yếu tố có giá trị khi xét hồ sơ xếp hạng quần thể danh thắng này. Chùa mới xây cũng giống như những công trình khác như nhà dân, trường học hay công trình khác tồn tại trước khi quần thể được công nhận. Trong hồ sơ của quần thể danh thắng Tam Chúc, lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa cho biết, cũng không đánh giá giá trị của chùa Tam Chúc mới (với quy mô đồ sộ nhất Việt Nam) đến cảnh quan toàn bộ khu danh thắng.

“Bộ VH-TT-DL chỉ công nhận quần thể danh lam thắng cảnh Tam Chúc, không xếp hạng di tích lịch sử hay di tích kiến trúc nghệ thuật. Mặc dù trong quần thể danh thắng này có những công trình quy mô lớn, mới xây dựng cũng nằm trong quần thể này…”, lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa chia sẻ.

Trả lời câu hỏi về việc với những khu di tích được xếp hạng sẽ luôn có những quy định rõ ràng về việc bảo vệ, phát huy giá trị, song trong quần thể danh thắng cấp quốc gia này vẫn có những dự án du lịch đang trong quá trình xây dựng, ông Trần Đình Thành cho biết, với những công trình xây dựng nằm trong vùng di sản thì buộc phải lấy ý kiến của ngành văn hóa đối với các hạng mục.

Quần thể danh thắng Tam Chúc được xếp hạng di tích danh thắng cấp quốc gia bởi những giá trị thiên nhiên, khảo cổ, đa dạng sinh học

Quần thể danh thắng Tam Chúc được xếp hạng di tích danh thắng cấp quốc gia bởi những giá trị thiên nhiên, khảo cổ, đa dạng sinh học

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, với những công trình, dự án đã được cấp phép trước khi xếp hạng di tích quần thể danh thắng Tam Chúc thì vẫn tiếp tục được thực hiện mà không phải xin ý kiến của ngành văn hóa. Tuy nhiên, nếu trong quá trình triển khai xét thấy công trình đó có ảnh hưởng tới di sản thì ngành văn hóa sẽ kiến nghị để cơ quan phê duyệt dự án xem xét để có những điều chỉnh phù hợp. Việc xếp hạng di tích quốc gia với danh thắng Tam Chúc là nhằm tạo căn cứ pháp lý bảo vệ tốt hơn những giá trị thiên nhiên, khảo cổ, đa dạng sinh học nơi đây.

Cũng theo ông Trần Đình Thành, quần thể danh thắng Tam Chúc nằm trên một diện tích rộng với những giá trị đa dạng, tuy nhiên, trong thời gian qua chưa có những cơ sở pháp lý hữu hiệu để bảo vệ, phát huy những giá trị về khảo cổ, cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học cũng như giá trị thẩm mỹ ở khu vực này. Vì thế, việc xếp hạng cấp quốc gia đối với quần thể danh thắng Tam Chúc sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng nhằm bảo vệ tốt hơn những giá trị hiện hữu của khu vực. Việc xếp hạng di tích quốc gia chỉ mới là bước đầu. Khoanh vùng bảo vệ là tiền đề để quản lý.

Tin cùng chuyên mục