Cùng hành động để bảo vệ môi trường

Xu hướng tiêu dùng không chỉ đặt ra những yêu cầu về chất lượng, công dụng, giá thành mà còn đòi hỏi tính bền vững và thân thiện với môi trường trong từng sản phẩm. Trước xu hướng này, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối đã và đang bắt nhịp thông qua việc đưa ra những sản phẩm, chương trình hành động thiết thực. 
Người tiêu dùng sử dụng túi dùng nhiều lần để mua sắm
Người tiêu dùng sử dụng túi dùng nhiều lần để mua sắm

Theo các chuyên gia, môi trường sống tại Việt Nam đang ngày càng chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu cũng như các tác hại từ rác thải nhựa, rác thải sinh hoạt… Cụ thể, với rác thải nhựa, theo thống kê từ cơ quan môi trường, mỗi năm Việt Nam đang thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa và Việt Nam nằm trong nhóm 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất. 

Trong bối cảnh đó, việc chung tay bảo vệ môi trường thông qua tiêu dùng xanh đã được nhiều người tiêu dùng (NTD) lựa chọn và trở thành ưu tiên hàng đầu khi mua sắm. Thực tế từ một khảo sát mới đây của Công ty Nielsen Việt Nam đã cho thấy, có tới 80% NTD Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết “xanh” và “sạch”, sản xuất từ nguyên liệu thân thiện với môi trường. Điều này cho thấy, đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của NTD Việt.

Trước xu hướng này của NTD, các doanh nghiệp sản xuất đã và đang thích ứng bằng cách xây dựng niềm tin vào nhãn hàng; trong đó, đơn vị sản xuất kinh doanh có thể thông qua cam kết về trách nhiệm xã hội và môi trường, đặt vấn đề sức khỏe NTD vào trọng tâm phát triển sản phẩm, gắn phát triển sản phẩm với cam kết bền vững... Từ đó, thị trường bắt đầu xuất hiện nhiều sản phẩm phong phú, chế tạo từ 100% nguyên liệu tự nhiên như cỏ, dừa, gạo, bã mía, cà phê... thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Không chỉ vậy, các nhà sản xuất cũng dần loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật có tác hại đến môi trường, sử dụng phân hữu cơ, dùng bao bì xanh để đóng gói sản phẩm… 

Còn trong bán lẻ, nhiều nhà bán lẻ lớn của Việt Nam như Saigon Co.op, Lotte Mart, Winmart… đã có những hành động cụ thể và thiết thực để giảm thiểu túi ni lông, khuyến khích dùng túi sử dụng nhiều lần, chương trình tích điểm khi không sử dụng túi ni lông. Điển hình là siêu thị Co.opmart của nhà bán lẻ Saigon Co.op đã sử dụng bọc hàng hóa, sản phẩm bằng lá chuối thay thế túi ni lông. Hệ thống siêu thị này cũng là đơn vị đầu tiên mạnh tay “loại bỏ” ống hút nhựa trên quầy kệ siêu thị - tiên phong cho phong trào sử dụng ống hút cỏ, ống hút giấy thân thiện với môi trường. Cùng với đó, Saigon Co.op còn triển khai rất nhiều hoạt động, trong đó có chương trình “Thay áo cho thùng rác” - kêu gọi phân loại rác đầu nguồn tại 23 đơn vị bán lẻ của Saigon Co.op. Đây là chương trình Saigon Co.op phối hợp với Liên minh tái chế bao bì Việt Nam và các đối tác cùng thực hiện và nhận được sự hưởng ứng của NTD. 

“Với thiết kế bắt mắt, màu sắc hài hòa, thùng rác được chia thành 5 ngăn, phân rõ ràng từng loại rác thải, giúp khách hàng dễ dàng thực hiện phân loại. Đặc biệt, thùng rác được sản xuất hoàn toàn từ nguyên liệu tái chế. Sau khi triển khai, chương trình đã mang lại được những hiệu quả nhất định, dần hình thành thói quen phân loại rác cho khách hàng khi tham quan, mua sắm tại điểm bán”, đại diện Saigon Co.op cho biết.

Đồng thuận về vấn đề này, theo ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, cho biết, riêng tại TPHCM, UBND TPHCM đã đề ra mục tiêu là đến năm 2030, hạn chế tối đa việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, tỷ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đến năm 2025 đạt ít nhất 80%, hướng tới năm 2030 đạt 100%. Và để làm được việc này, về phía công ty đã bắt tay cùng Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) thực hiện mục tiêu “Xây dựng và thúc đẩy triển khai các giải pháp xanh, hướng đến gia tăng tỷ lệ GDP xanh cho TPHCM”. Trước mắt, hai bên tập trung thúc đẩy và đầu tư dự án “Chuyển đổi công nghệ xử lý rác sinh hoạt từ chôn lấp hợp vệ sinh sang đốt phát điện công suất 1.000 tấn/ngày” tại bãi chôn lấp số 3 - Khu liên hiệp xử lý chất thải Phước Hiệp, huyện Củ Chi”. Bên cạnh đó, đầu tư xe máy và thiết bị phục vụ hoạt động thu gom, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường. Đặc biệt, đầu tư dự án “Nhà máy xử lý và tái chế chất thải từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn”.

Có thể thấy, trong bối cảnh hậu dịch Covid-19, sự thay đổi thói quen tiêu dùng chuyển sang xu hướng xanh được dự báo vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho những đơn vị sản xuất kinh doanh, cung ứng hàng hóa. Buộc họ phải thay đổi cách thức sản xuất, minh bạch thông tin sản phẩm… có như vậy mới thu hút được NTD.

Tiêu dùng xanh là nội dung quan trọng được đề cập trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam. Hiện nhiều đơn vị đang thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng xanh, nỗ lực chung tay giảm rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi ni lông. Tuy vậy, việc thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần trong thời gian ngắn không dễ dàng và rất cần ý thức của mỗi người dân, doanh nghiệp để cùng chung tay bảo vệ môi trường.

Tin cùng chuyên mục