Cùng làm sạch môi trường cho cuộc sống đẹp hơn

Từ kết quả của những năm gần đây thực hiện Chỉ thị 19 của Thành ủy TPHCM về cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, chúng ta tin tưởng và kỳ vọng có những chuyển biến lớn hơn trong thời gian tới, trước mắt là giai đoạn 2023-2025.
Công viên Hoa Hồng Ngọc (TP Thủ Đức) rộng hơn 1.500m², được cải tạo từ bãi rác. Ảnh: THU HƯỜNG
Công viên Hoa Hồng Ngọc (TP Thủ Đức) rộng hơn 1.500m², được cải tạo từ bãi rác. Ảnh: THU HƯỜNG

Thu gom, vận chuyển, xử lý rác ở một đô thị lớn, đông dân như TPHCM với khoảng 9.700-10.000 tấn rác mỗi ngày không phải là việc dễ dàng, cần được tiến hành đồng bộ các công đoạn và tiến tới xử lý bằng công nghệ mới. Chủ trương về cuộc vận động không xả rác ra đường và kênh rạch, giữ cho đô thị luôn sạch, đẹp của Thành ủy TPHCM cho thấy sự cần thiết, đòi hỏi sự tham gia của các cơ quan, đơn vị và của mọi người dân.

Thời gian qua, chính quyền thành phố đã dành nhiều năm thực hiện chủ đề xây dựng nếp sống văn minh đô thị và lần này, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 19 đã có những kết quả đáng ghi nhận.

HĐND TP đã thường xuyên tổ chức các cuộc khảo sát, giám sát về công tác thu gom, vận chuyển rác; khai thác, sử dụng nguồn nước; quản lý hành lang an toàn giao thông đường bộ và trật tự đô thị; tổ chức những diễn đàn trao đổi về môi trường…

UBND TP đã triển khai cho 312 phường, xã, thị trấn và các cấp chính quyền đã tổ chức đối thoại, lắng nghe góp ý và xử lý kịp thời những phản ánh của người dân. Gần 600 điểm gây ô nhiễm môi trường, bãi rác tự phát được giải tỏa, trong đó có 198 điểm được chuyển hóa thành khu sinh hoạt cộng đồng, nơi vui chơi cho trẻ em...

Lực lượng thu gom rác dân lập được tổ chức lại và phần lớn được chuyển đổi theo mô hình hợp tác xã hoặc doanh nghiệp. Phương tiện thu gom rác đạt chuẩn có tỷ lệ cao hơn ở nhiều quận, huyện. Nhiều trạm trung chuyển rác cũng đã được xây mới; nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống… đã có những biện pháp vận động người tiêu dùng giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và khuyến khích sử dụng sản phẩm, bao bì thân thiện với môi trường.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã triển khai nhiều mô hình, giải pháp hiệu quả. Nhiều khu dân cư được công nhận khu dân cư sạch - đẹp, nhiều phường, xã, thị trấn được công nhận sạch - xanh - thân thiện môi trường… Hội Nông dân đã tổ chức các câu lạc bộ bảo vệ môi trường. Đoàn Thanh niên đã xây dựng những “không gian xanh”, những tuyến hẻm, khu dân cư văn minh, sạch đẹp, an toàn. Hội Phụ nữ có “công trình xanh” gắn với việc xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”. Liên đoàn Lao động TP đã tổ chức các “Tổ công nhân tự quản” và những khu nhà trọ xanh - sạch - đẹp, văn minh, nghĩa tình. Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia hoạt động bảo vệ môi trường…

Mặc dù đã có nhiều hoạt động thiết thực, nhiều mô hình hay được nhân rộng trong thực hiện Chỉ thị 19 nhưng còn nhiều việc cần tiếp tục làm tốt hơn như thực hiện đồng bộ việc phân loại rác tại nguồn; triển khai xử lý rác bằng công nghệ mới chứ không chỉ dừng lại ở việc chôn lấp rác hợp vệ sinh; cùng các vấn đề về quản lý rác thải nhựa, chất thải xây dựng…

Nhiều nhiệm vụ, giải pháp và chỉ tiêu được đưa ra cho 2 năm tới 2023-2025 là rất tích cực. Trong đó, việc đối thoại, xử lý những vấn đề người dân góp ý và xóa các điểm gây ô nhiễm phải đạt 100%; công trình tăng mảng xanh, giảm túi ni lông khó phân hủy, thực hiện không xả rác ra đường và kênh rạch… phải cố gắng thực hiện với chỉ tiêu cao. Những nội dung đặt ra phù hợp với mong ước của người dân là thành phố cần có thêm cây xanh và sạch sẽ.

Để thành phố ngày càng văn minh, sạch đẹp cần có sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý của các cấp chính quyền, cùng sự tham gia tích cực các ban ngành, mặt trận và đoàn thể, phát huy vai trò tự quản của người dân thông qua quy ước của cộng đồng. Để cải thiện thu gom, vận chuyển, xử lý rác cần có sự đầu tư của nhà nước, có thực hiện theo mô hình đối tác công tư và sự đầu tư của cộng đồng, xã hội. Chủ thể quyết định việc thực hiện không xả rác ra đường và kênh rạch chính là ở người dân. Cùng với vận động, thuyết phục, biểu dương điển hình là tăng cường các giải pháp chế tài, tăng mức xử phạt những hành vi vi phạm.

Tất cả mọi cố gắng để thành phố thân yêu của chúng ta mỗi ngày một xanh hơn, sạch đẹp hơn và đáng sống hơn.

Tin cùng chuyên mục