Cùng nhau vượt qua khủng hoảng

Một ngày thức dậy với cảm giác như nhân vật truyện tranh nổi tiếng Astérix và Obélix thường lo sợ: "Coi chừng trời sập trên đầu”! Kể từ Thế chiến II, chưa bao giờ đất nước hình lục lăng - Pháp phải đối mặt với sự kết hợp các nguy cơ nhiều như ngày nay.

Tình trạng khủng bố Hồi giáo cực đoan đã cướp đi sinh mạng một thầy giáo ở vùng thủ đô, hai tín đồ và một giáo sĩ trong một nhà thờ ở miền Nam cách đây vài ngày. Chính phủ Pháp đã ban bố tình trạng báo động chống khủng bố ở mức độ cao nhất, triển khai 7.000 binh sĩ, cảnh sát và quân đội bảo vệ những địa điểm trọng yếu như trường học, nhà thờ trên khắp đất nước.

Vụ tấn công khủng bố bằng dao ở Pháp xảy ra ở nhà thờ Notre Dame khiến 3 người thiệt mạng. Pháp đã phải nâng mức cảnh báo an ninh lên cao nhất sau vụ tấn công. Nguồn: Aljazeera
Cùng với đó, Pháp cũng phải phong tỏa đất nước vì đại dịch Covid-19 từ 4 tới 6 tuần. Làn sóng thứ 2 của đại dịch bùng lên ở đây và khắp châu Âu, làm suy sụp nền kinh tế vừa ngóc đầu lên sau làn sóng đầu tiên vào tháng 3 và tháng 4 vừa qua. Trung bình từ 40.000 đến 50.000 ca mắc mới mỗi ngày. Giới y tế ước tính con số thực tế tới 100.000, nếu cộng thêm những bệnh nhân không được xét nghiệm. Hơn 60% nạn nhân tử vong là người cao tuổi, đặc biệt là những người sống trong nhà dưỡng lão. Hậu quả của nhiều sai lầm chính sách nghiêm trọng của hệ thống, và từ những tuần đầu khi Covid-19 bùng nổ ở châu Âu.


Trời thu, xám, như chụp lên thủ đô Paris và nước Pháp một bầu khí quyển ảm đạm. Các cửa hàng, quán đều phải đóng cửa, ngoại trừ các nơi phục vụ nhu yếu phẩm, các dịch vụ cần thiết như ngân hàng, bưu điện, cơ quan hành chính. Giới lãnh đạo đang đi trên con đường khó khăn và sức ép đến từ mọi phía: dịch bệnh, suy thoái kinh tế liên quan, khủng bố trong nước và khủng hoảng ngoại giao với các quốc gia Hồi giáo. Chính giới và công dân đang quay cuồng với những câu hỏi khó giải đáp, hoặc nếu muốn có câu trả lời, chắc chắn nước Pháp phải cần một cuộc “cách mạng” về tư duy, văn hoá - giữa quyền lợi cá nhân bằng mọi giá và ảnh hưởng cộng đồng.

Làm sao để bảo đảm sự cân bằng có lợi nhất cho nước Pháp? Làm sao để kiểm soát được đại dịch Covid-19 cho tới khi có vaccine? Duy trì nền kinh tế trong tình trạng các hoạt động, trao đổi thương mại bị tê liệt bằng cách nào? Làm sao để người nghèo không phải chìm xuống tận cùng của vực thẳm? Làm sao để khí quyển đầy màu khủng bố không giết chết sự bao dung truyền thống của văn hóa tôn trọng sự đa dạng và khác biệt, sự thượng tôn tự do biểu đạt?

“Chúng ta cần sự đoàn kết, từ các đảng phái chính trị, từ giới kinh tế tài chính, từ mỗi người dân, để cùng vượt qua giai đoạn khủng hoảng chưa từng có này! Trách nhiệm của ai, sẽ vạch ra rõ ràng sau đó, để các khiếm khuyết và sai lầm không lặp lại nữa…”, đó là thông điệp (tóm tắt) - của chính phủ và Tổng thống Emmanuel Macron. Tổng thống Macron tuyên bố tôn trọng cảm xúc liên quan đến vấn đề tôn giáo, song không bao giờ chấp nhận đó là lý do biện minh cho hành vi bạo lực. Có thể thông điệp này chưa thực sự thuyết phục, nhưng nó cũng là một phần sự thật. Có một điều tích cực có được từ khủng hoảng chưa từng có này là người Pháp đã củng cố lại được một số giá trị cốt lõi đôi khi đã bị “quên” đi: đoàn kết, thấu cảm, tự biết bằng lòng với hạnh phúc tối giản. Người Pháp cũng đã tìm lại sự bao dung và bản chất cởi mở mà không dịch bệnh nào, không cuộc khủng bố nào có thể lấy đi được.

Tin cùng chuyên mục