Cuộc chiến ứng dụng gọi xe

Sau khi Grab “mua lại” Uber, thị trường ứng dụng gọi xe công nghệ xuất hiện thêm một số hãng mới và đang hoạt động rất sôi động, hứa hẹn một cuộc cạnh tranh gay gắt trong thời gian tới.

Đa dạng ứng dụng đặt xe

Giữa năm 2018, ngay sau khi Uber rời thị trường Việt Nam, Grab đã mặc sức làm mưa làm gió trên thị trường xe công nghệ. Thế nhưng, không lâu sau hàng loạt ứng dụng gọi xe Việt liên tiếp ra đời, song chỉ đến khi Go-Viet xuất hiện mới tỏ ra là đối thủ đáng gờm của Grab. Cuộc đua giữa 2 doanh nghiệp đang ngày càng khốc liệt và chưa biết phần thắng sẽ nghiêng về bên nào. 

Một ứng dụng mới xuất hiện và gây sốt thời gian gần đây đó là Be, ở cả dịch vụ 2 bánh và 4 bánh. Be đặt mục tiêu sẽ có mặt ở 15 tỉnh, thành phố trong năm nay và đến 2020 sẽ hiện diện tại 63 tỉnh thành trên cả nước. Số lượng đến thời điểm này khoảng 30.000 xe và ứng dụng đạt hơn 3 triệu lượt tải. Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Be Group, cho biết chiến lược cạnh tranh của hãng sẽ không nhắm đến mục tiêu giá siêu rẻ, mà tập trung xây dựng chất lượng dịch vụ và sự gắn bó của tài xế. Tài xế được đóng bảo hiểm, ưu đãi về chiết khấu, hỗ trợ về thâm niên công tác… giúp họ hoạt động chuyên nghiệp, gắn bó lâu dài với đơn vị.

Ông Hải khẳng định: “Tài xế là giá trị cốt lõi vì họ là nguồn cung dịch vụ, muốn thành công thì phải có chính sách tốt nhất cho tài xế”.

Cũng theo ông, tại Việt Nam không có xe nhàn rỗi như ở nước ngoài, do đó sẽ phải xây dựng đội ngũ tài xế chuyên nghiệp, dịch vụ chuyên nghiệp. Cuối cùng chính sách giá cước phải ổn định, nghĩa là không tăng giá vào giờ cao điểm.

Cuộc chiến ứng dụng gọi xe ảnh 1 Các tài xế xe ôm công nghệ đang hoạt động. Ảnh: THÀNH TRÍ
Tương tự, ứng dụng Aber do một nhóm những người Việt trẻ ở thế hệ 8X, 9X sáng lập dựa trên nền tảng công nghệ của Đức. So về mặt dịch vụ, Aber thậm chí còn đa dạng hơn cả các hãng khác khi cung cấp tới 6 dịch vụ vận chuyển, gồm: Aber Bike (xe ôm công nghệ), Aber Car (taxi công nghệ), Aber Truck (xe giao hàng - xe tải), Aber Travel (trải nghiệm du lịch cùng Aber), Aber Business (xe doanh nghiệp) và Aber Express (dịch vụ giao hàng). 

Theo đại diện các hãng, để có thể gia nhập cuộc chơi, phải chuẩn bị kỹ càng cho nhiều tính năng khác nhau, phù hợp với địa lý và tâm lý khách hàng. Đơn cử, phải có mức tính giá khác nhau ở từng địa phương, kết nối được tất cả các phương tiện vận tải với nhau, tài xế được đào tạo, qua sát hạch để đảm bảo an toàn cho hành khách. 

Hầu hết các ứng dụng nói trên là phần mềm nằm trong chương trình quốc gia về khởi nghiệp, sử dụng công nghệ thuần Việt, do người Việt Nam khởi xướng nhằm hưởng ứng chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Hành khách có nhiều lựa chọn

Nhờ có sự tham gia sôi động của nhiều hãng xe mà người dân thường xuyên di chuyển bằng xe công nghệ có thêm sự lựa chọn. “Do đặc thù công việc nên mình thường xuyên đi bằng xe công nghệ. Trước đây mình chỉ có thể gọi Grab, nhưng bây giờ thì có rất nhiều lựa chọn. Mình ủng hộ việc có nhiều ứng dụng đặt xe mới ra đời để hành khách có nhiều sự lựa chọn hơn trong di chuyển”, chị Kim Nhạn (ngụ quận 11) chia sẻ. Hầu hết hành khách cho rằng nhiều ứng dụng mới ra đời có giá cước rẻ hơn so với Grab, đặc biệt vào giờ cao điểm. 

Theo Sở GTVT TPHCM, tại thành phố, loại hình hợp đồng điện tử cho các ô tô dưới 9 chỗ đang bão hòa ở con số khoảng 34.000 xe; còn loại hình xe ôm công nghệ hiện chưa có quy định cụ thể và con số này đang phát triển từng ngày.

Không chỉ khách hàng, ngay cả lái xe cũng mong muốn có thêm các ứng dụng mới để không bị chèn ép. Một lái xe đối tác của Grab cũng có thể trở thành đối tác của Be, GoViet hay Aber, FastGo… Nếu tỷ lệ đặt xe thấp, họ sẵn sàng “khóa” ứng dụng này và bật ứng dụng khác. Tương tự, một khách hàng cũng thường sử dụng cùng lúc vài ba ứng dụng gọi xe, khi có nhu cầu, cứ ứng dụng nào rẻ và thuận tiện là đặt. Việc có nhiều ứng dụng tham gia thị trường sẽ có cạnh tranh về chất lượng phục vụ, người dùng có thêm nhiều sự lựa chọn phù hợp, tránh được các yếu tố độc quyền.

“Khi có nhiều người vào trong một thị trường như thế thì sẽ tạo ra sự canh tranh rất lớn. Cạnh tranh về xe đến đúng giờ, chất lượng, dịch vụ, di chuyển tốt hơn, đồng thời đẩy giá cả xuống. Vì thế sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thị trường, người dân hưởng lợi nhiều hơn”, Th.S Phạm Ngọc Công, chuyên gia kinh tế, đánh giá.

Tuy nhiên, ông Công cũng tỏ ra lo lắng trước sự phát triển không có “giới hạn” của loại hình này. Điều này rất có thể sẽ tạo ra sự hỗn loạn và các cơ quan chức năng có liên quan cần phải có giải pháp quản lý hiệu quả.

Theo ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, hiện nay khung pháp lý để quản lý hoạt động này vẫn chưa rõ ràng bởi Bộ GTVT mới cho một số đơn vị được thí điểm như Grab, Mai Linh Car, V-Car, Go-Car. Những đơn vị còn lại như Aber, Go-Viet, Be, Vato… chưa được bộ chấp thuận việc thí điểm, nhưng vẫn đang hoạt động. 

Rõ ràng sự xuất hiện các loại xe công nghệ mới đã tạo điều kiện cho kinh doanh vận tải cạnh tranh hơn, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn, biết trước giá cước, rút ngắn thời gian chờ đợi... Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ không thể kiểm soát. Vì thế các ngành chức năng cần sớm có những quy định để quản lý.

Tin cùng chuyên mục